Tiểu ban Khuyến học con dâu dòng họ Bùi Quang chia sẻ kinh nghiệm hoạt động với cán bộ khuyến học huyện, thị trấn. |
“Trăm nghe không bằng một thấy”, chúng tôi đã “mục sở thị” dòng họ Bùi Quang. Nhà thờ họ Bùi Quang được xây dựng trên khuôn viên thoáng, mát với thế tựa lưng vào làng và mặt nhìn ra đồng lúa ngút ngàn. Nhà thờ được xây dựng đơn giản với một dãy nhà vừa đủ đặt các bàn thờ tổ tiên, nội thất đơn sơ. Tuy nhiên, bên trong nhà thờ, cờ thi đua, bảng vàng ghi công đóng góp cho công tác khuyến học… đều được treo trang trọng. Đặc biệt hơn, những người con của dòng họ, trông ai cũng rạng ngời tự hào.
Chị Đặng Thị Lĩnh – Trưởng tiểu ban Khuyến học dòng họ Bùi Quang cho biết: Năm 2003, rất nhiều con em trong dòng họ thi đậu đại học, cao đẳng nên mọi người đều hồ hởi, phấn chấn. Một vài người đã đưa ra ý tưởng thành lập quỹ khuyến học con dâu. Từ ý tưởng đó, một bác dâu trong dòng họ (giờ đã mất) tiên phong đóng góp 10 ngàn đồng, hỗ trợ cho cuộc họp bàn thống nhất và ra mắt. Ban đầu thành lập, mới có 7 người tham gia.
Dòng họ Bùi Quang có 42 hộ. Con dâu của dòng họ chủ yếu làm nông nghiệp. Mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng với sự hoạt động tích cực của tiểu ban khuyến học, sự nhiệt tình của các thành viên và ý nghĩa sâu sắc của công việc này nên hầu hết các chị đều tham gia. Đến nay, Tiểu ban Khuyến học dòng họ đã có 40 thành viên.
Cùng đó, tiền đóng góp quỹ cũng tăng dần. Ban đầu, quỹ thu 10 ngàn đồng/chị/năm, rồi tăng lên 20 ngàn đồng… và thời điểm hiện tại là 100 ngàn đồng. Số tiền thu hàng năm không lớn nhưng các chị đã tổ chức được rất nhiều hoạt động ý nghĩa, từ động viên, khuyến khích con cháu học giỏi, hỗ trợ các cháu có hoàn cảnh khó khăn, đến thăm hỏi khi ốm đau, bệnh tật… Hàng năm, vào dịp rằm tháng bảy, con cháu tụ họp về nhà thờ đông đủ. Sau lễ cúng rằm là trao phần thưởng cho con em học giỏi, khích lệ tinh thần học tập ở các em lớp bé và động viên những em hoàn cảnh khó khăn… Qua đó, tình anh em, họ hàng gắn bó keo sơn, “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”…, gia đình đầm ấm, hạnh phúc.
Chị Nguyễn Thị Quý - thành viên của tiểu ban tâm sự: “Tôi về làm dâu họ Bùi từ năm 1979. Trước đây, khi chưa thành lập Tiểu ban Khuyến học, chúng tôi chưa bao giờ đến nhà thờ họ. Dường như việc họ chỉ là của đàn ông. Giờ thì mỗi lần giỗ tổ hay đêm rằm tháng bảy, tháng giêng đều tụ họp về đây, vui như ngày hội. Nhà thờ không chỉ là nơi tế họ mà còn là nơi thể hiện sự quan tâm, vun đắp cho thế hệ tương lai…
Rằm tháng bảy đến, các nàng dâu dòng họ Bùi Quang lại tất bật chuẩn bị những phần quà để phát thưởng cho cháu con trong niềm hân hoan, tự hào của cả dòng họ. Ông Bùi Quang Bỉnh (76 tuổi) - phấn khởi: “Rằm tháng bảy, cả họ đều tập trung đông đủ, ai cũng phấn khởi, đặc biệt là các cháu. Riêng chị em thì năm nào cũng hát bài “Bốn phương trời ta về đây chung vui”...
ý tưởng, động viên, dòng họ, nàng dâu, thị trấn, cẩm xuyên, thành lập, tiểu ban, khuyến học, hoạt động
Ý kiến bạn đọc