01:26 ICT Thứ sáu, 29/03/2024
CHUNG TAY PHÒNG CHÓNG DỊCH BỆNH COVID-19, HÃY THỰC HIỆN TỐT 5K: KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH - KHÔNG TẬP TRUNG - KHAI BÁO Y TẾ

Danh mục

Liên kết Website

Thống kê

  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 18
  • Tháng hiện tại: 20772
  • Tổng lượt truy cập: 1725964

Kiến nghị xem xét lại cấm dạy thêm, học thêm trong trường

Đăng lúc: Thứ sáu - 12/08/2016 18:49 - Người đăng bài viết: admin2
Xem xét lại việc cấm dạy thêm, học thêm trong trường là kiến nghị của các trường trên địa bàn TP.HCM, được Sở GD-ĐT TP.HCM tập hợp và đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2015 – 2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 diễn ra chiều ngày 12/8.

Trong năm học 2015 – 2016, ngành giáo dục đào tạo thành phố đã tập trung thực hiện các giải pháp có tính đột phá. Đó là chú trọng cập nhật các phương pháp giảng dạy hiện đại của thế giới, hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu…Chú trọng giảm tải chương trình, giảm lý thuyết, tăng thực hành. Ông Sơn cũng cho biết Sở tiếp tục triển khai hiệu quả đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp thành phố. Sở cũng đã xây dựng được một chương trình giáo dục tiên tiến, hội nhập thế giới (chương trình tích hợp)…

Kiến nghị xem xét lại việc cấm dạy thêm, học thêm trong trường

Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết trước khi diễn ra hội nghị tổng kết, Sở GD-ĐT đã tiến hành phiên họp nội bộ vào ngày 11/8. Tại phiên họp này về việc dạy thêm, học thêm đa số ý kiến của các trường đều đề xuất nên có lộ trình, vì với chương trình, cách tổ chức thi như hiện nay, như bài thi THPT quốc gia năm 2016 đã thể hiện thì học sinh nếu chỉ tham gia các giờ học chính khóa tại nhà trường không thể đảm bảo làm tốt bài thi.

Việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường thực tế đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của số đông học sinh và phụ huynh với các tiêu chí đảm bảo cơ sở vật chất, an toàn cho học sinh, dễ quản lý học sinh của phụ huynh, kiểm soát được nội dung, chất lượng giáo viên…Trong khi đó việc đạt các tiêu chí trên là hạn chế đối với các cơ sở dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.

Mặt khác, dạy thêm, học thêm cũng là một giải pháp nhằm hỗ trợ ổn định đời sống của giáo viên, không chỉ cho giáo viên trực tiếp tham gia dạy thêm trong nhà trường mà cho cả giáo viên các bộ môn không tham gia dạy thêm nhưng tham gia quản lý lớp cũng như đội ngũ nhân viên gián tiếp của nhà trường. Việc này cũng góp phần giải quyết kinh phí tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động giáo dục kĩ năng thích ứng với cuộc sống, hoạt động ngoại khóa và tạo phúc lợi cho nhà trường.

Ông Hoàng cũng dẫn các ý kiến của các trường cho rằng, hiện nay Bộ GD-ĐT và lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Sở GD-ĐT xây dựng “Đề án Phát triển giáo dục và đào tạo TP.HCM đến năm 2020 – Tầm nhìn đến năm 2030” với các nội dung chính là việc điều chỉnh chương trình theo hướng giảm tải, việc đánh giá học sinh dựa theo năng lực thực tế, không chỉ dựa vào kết quả các bài thi lý thuyết và giao việc công nhận tốt nghiệp THPT cho thành phố…Việc áp dụng đề án đó sẽ hạn chế, tiến tới chấm dứt việc dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. Vì vậy, các trường đề nghị lãnh đạo thành phố xem xét lại việc cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Bí thư Thăng: Chăm lo giáo dục như tương lai của mình

“Mỗi người phải có trách nhiệm nâng cao chất lượng giáo dục như chăm lo cho chính tương lai của mình” – Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh tại hội nghị.

Tại đây, ông Đinh La Thăng biểu dương những thành tích mà ngành giáo dục đào tạo thành phố đã đạt được, nhưng cũng lưu ý những con số đưa ra không phải vì lý do nhấn mạnh thành tích. “Người dân rất sáng suốt và công bằng. Thực tế cho thấy những gì chúng ta thực sự đạt được người dân đều biết và biết chính xác” – ông Thăng nhắn nhủ.

Ông Thăng cũng cho rằng, giáo dục thành phố còn có những mặt yếu kém như tình trạng dạy thêm học thêm, chất lượng chuyên môn của giáo viên nhất là giáo viên Tiếng Anh còn hạn chế, việc quản lý cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài còn nhiều bất cập, quá tải về kiến thức đối với học sinh và sĩ số lớp học, tình trạng bạo lực học đường… Đó là những thách thức không nhỏ mà nếu giải quyết được giáo dục thành phố sẽ trở thành đường sáng và tỏa sáng trong khu vực.

Ông Thăng yêu cầu Sở GD-ĐT phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức điều tra xu hướng nghề nghiệp để khắc phục hiện tượng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thất nghiệp sau khi ra trường.

Trong năm học 2016-2017, ông Thăng đề nghị ngành GD-ĐT TP.HCM cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể là đẩy mạnh chương trình hoạt động và kế hoạch hành động của Thành Ủy và UBND thành phố. “Trong đề án phát triển giáo dục đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cần mạnh dạn đề xuất những giải pháp mang tính đột phá. Cần phải giảm tải nhanh chương giáo dục phổ thông mà hiện nay đang nặng về khối lượng kiến thức chuyên môn, tập trung phát triển văn - thể - mỹ. Bên cạnh đó nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, có chế độ đãi ngộ theo hướng không cào bằng…” – ông Thăng nhấn mạnh.

  • Lê Huyền - Ngân Anh

Nguồn tin: vietnamnet.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thư viện hình ảnh