Bùi Xuân Đại - Người cựu chiến binh gom góp 300 triệu xây cầu cho dân đi
Đăng lúc: Thứ năm - 29/09/2016 12:03
- Người đăng bài viết: admin2
Đau đáu trước việc đi lại trắc trở, thi thoảng giật mình nghe tiếng kêu cứu của trẻ nhỏ từ dưới suối, người cựu chiến binh già đã bỏ gần 300 triệu đồng tiền ông tích góp cả cuộc đời và vay mượn của người thân xây một chiếc cầu vững chãi cho dân đi.
Người có tấm lòng thơm thảo, được bà con hết mực quý mến ấy là ông là Bùi Xuân Đại, một cựu chiến binh ở thôn Đại Đồng, xã Đức Đồng, Hà Tĩnh.
Chuỗi ngày khốn khổ của thôn ốc đảo Đã từng nghe câu chuyện ông bỏ một số tiền lớn để xây cầu cho dân đi lại bên lề một cuộc làm việc tại huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) mới đây, tôi nghĩ, hẳn ông và gia đình phải khá giả, phải có nguồn thu lớn lắm. Nhưng, đến nhà riêng, gặp ông trong cái nắng hè oi bức, tôi thực sự ngỡ ngàng, không như hình dung trước đó. Căn nhà cấp 4 của ông đã xuống cấp không có lấy một thứ giá trị. Những thứ quý giá nhất chỉ là những kỷ vật ông giữ lại từ một thời đạn lửa chiến tranh. Nóng phả hầm hập, chứng bệnh gan đang ngày một xấu đi, nhưng ông vẫn nằm nghỉ trong căn phòng nhỏ nóng nực. Từng 10 năm chinh chiến ở Lào và đang là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã nên tác phong của ông rất nhanh nhẹn, cách ăn nói mộc mạc, cương quyết.
Vợ chồng ông Đại và nhà báo Văn Dũng bên cây cầu mà gia đình ông bỏ gần 300 triệu đồng xây dựng cho người dân đi lại
Nhìn thấy chiếc xe ô tô đậu trước ngõ, ông Tuấn cùng người bà con đến thăm ông sau thời gian dài ông chữa bệnh ở bệnh viện, cười nói: “Chừ xe ô tô vô đến đây sướng thật, chứ hồi trước muốn vô đây phải đậu ở ngoài đường cái, đi bộ mỏi cả chân. Vì con suối lớn các anh vừa đi qua mà trước đây thôn Đại Đồng này như cái ốc đảo, đi lại gặp nhiều trở ngại”. Nghe những người thân trong nhà ông cựu chiến binh kể chuyện, để có cơm áo gạo tiền, con cái không mù chữ ở thôn Đại Đồng này quả là quá gian nan. Không nhiều đất ruộng, phần lớn đất sản xuất của người dân thôn Đại Đồng là đất trồng sắn, trồng ngô, trồng màu nằm ở sườn đồi. Những quả đồi, nương ngô, nương sắn là lẽ sống của người dân, nhưng con suối lớn chạy dưới chân đồi, chắn ngang mọi ngả vào của Đại Đồng đã nhiều phen lấy đi tất cả của họ. Con suối đã trở thành nỗi khốn khổ, ám ảnh đối với biết bao thế người dân sinh sống trên địa bàn.
“Bình thường con suối chảy thẳng ra sông Ngàn Sâu rất hiền hòa, nhưng mỗi khi có mưa lớn hoặc mùa mưa lũ, nó trở nên quá hung dữ. Cây cối, đất đá từ thượng nguồn đổ về cuốn phăng bất cứ thứ gì mà dòng lũ đi qua. Bởi vậy người dân ở thôn nghèo này đã quá quen với cảnh, cứ sau mỗi mùa mưa người dân lại phải bắc những chiếc cầu tạm để đi lại” – ông Đại mở đầu câu chuyện về con suối.
Chị Nhung, người đến thăm ông Đại tiếp lời: “Khổ nhất là vào mùa thu hoạch. Bà con một nắng hai sương trồng được nương sắn, nương ngô, vậy mà để đưa được về nhà không dễ. Người dân phải dùng xe bò kéo sản phẩm xuống mép suối, rồi lại tăng bo mấy lần rất khổ. Nhiều hôm gặp mưa, nước lớn có khi phải bỏ ngô sắn lại về nhà.
Sống chung với con suối đầu làng nên người dân ở đây cũng đã quá quen với cảnh té ngã gãy chân tay, bị nước cuốn. Dẫu đã xẩy ra cách đây hơn 4 năm, nhưng chị Đinh Thị Nhung vẫn chưa hết sợ hãi khi nhắc lại câu chuyện con suối nhỏ từng suýt lấy đi mạng sống của chồng chị.
“Bữa nớ, buổi chiều có trận mưa lớn khiến con suối quá hung dữ. Chồng tui đi làm về trời tối mịt, không biết cây cầu đã yếu đi do nước lũ phá buổi chiều. Xe vừa bước ra chính giữa suối, cầu lắc lư, chồng tui mất lái rơi xuống suối. Dòng nước chảy xiết cuốn ông đi hơn chục mét. Rất may ông ấy kịp nắm một cành cây, hô hoán mọi người ứng cứu. May mắn thoát chết, nhưng từ hôm đó anh không dám qua cầu tạm vào buổi tối nữa”- chị Nhung kể.
Dừng sửa nhà, “ép” con góp tiền làm cầu cho dân đi Chứng kiến cảnh người dân trong xóm khốn khổ đi lại, ông Đại luôn đau đáu trong lòng phải tìm cách xây một cái cầu vững chãi nối hai bờ con suối dữ. Nhưng cứ nghĩ đến chuyện xây cầu là đầu ông rối bời, bởi dự án đầu tư của nhà nước chưa biết bao giờ mới có, còn người dân trong xóm còn nghèo, nhiều hoàn cảnh neo đơn, không chồng con lấy gì đóng góp? Trằn trọc mãi rồi ông đi đến một quyết định "không giống ai" ở mảnh đất này, tự mình bỏ tiền ra xây cầu cho dân đi. Nói quyết định của ông không giống ai bởi, căn nhà ông dựng đã mấy chục năm nay chưa hề tu sửa đã xuống cấp, cuộc sống vợ chồng ông trông cả vào với đồng lương hưu và tiền phụ cấp chức danh Chủ tịch Hội CCB xã nên không dư dả gì. Sau nhiều đêm trằn trọc, suy nghĩ, một đêm đầu năm 2013, khi vợ ông - bà Phạm Thị Lan – đang nằm ngủ ông vỗ nhẹ, gọi vợ dậy. Tỉnh dậy, nghe ông Đại nói gia đình sẽ bỏ tiền xây cầu cho người dân đi lại, bà Lan giật mình thảng thốt. Bà lại tá hỏa khi nghe ông nói chi phí xây cầu hơn 200 triệu. “Nghe tôi nói, bà ấy chất vấn tôi lấy đâu ra tiền để xây cầu trong khi nhà cửa còn bộn bề lo toan? Rồi nghe mẹ thông tin các con của tôi đứa ở xa, đứa ở gần cũng góp ý, nói rằng đó là việc quá sức đối với gia đình” – ông Đại nhớ lại.
Mấy chục năm công tác trong quân đội đã rèn cho ông đức tính thẳng thắn, nói là làm. Tất nhiên ông Đại không quá độc đoán, cứng nhắc mà từng ngày, từng ngày ông đều phân tích với bà Lan những lợi ích thiết thực từ chuyện cây cầu mang lại cho gia đình và xã hội, cái được cho người dân vùng quê nghèo. “Phải thông cảm cho bà ấy, là người phụ nữ ai không chăm lo cho gia đình mình. Bà ấy không muốn cho tôi xây cầu cũng chỉ vì gia đình còn khó khăn, chưa đủ lực. Nhưng rồi bà ấy đã lắng nghe, bà ấy đã truyền đạt tâm nguyện của tôi tới các con. Thấy mẹ nhiệt thành ủng hộ bố, các con tôi rồi cũng góp sức, chung tay” – ông Đại kể tiếp.
Tâm đầu hợp ý, vợ chồng ông Đại rút hơn 100 triệu đồng tiền tích cóp mấy chục năm trời, giao 3 đứa con mỗi đứa hỗ trợ bố mẹ 30 triệu, số còn lại vợ chồng ông vay mượn thêm người thân, ngân hàng. Lo đủ kinh phí, việc đầu tiên ông Đại lên trình bày với chính quyền. Nghe ông đề đạt nguyện vọng, chính quyền từ thôn xóm đến Đảng ủy, UBND xã Đức Đồng đều hết sức ủng hộ. Để cây cầu vững chãi, xứng đáng với đồng tiền bằng mồ nước mắt mình bỏ ra, ông Đại đã thuê hẳn cả đơn vị tư vấn về khảo sát, thiết kế lẫn đơn vị thi công, ông còn mời cả cán bộ xã cùng tham gia giám sát.
Từ một cây cầu tạm gia đình ông Đại đã bỏ tiền xây cầu bê tông chắc chắn, vững chãi hơn rất nhiều. Tháng 4/2012, ngày khởi công, lãnh đạo xã cùng bà con lối xóm kéo xuống dự rất đông. Tấm lòng nhiệt thành của vợ chồng ông Đại đã khiến người dân trong xóm rất cảm động. Người góp dăm chục, người góp bó chè, người cắt cử thêm nhân lực cùng tham gia đẩy hồ, chuyển cát. Hơn 2 tháng sau, cây cầu 3 nhịp, dài 10m, rộng 3,5m, cao 7m (tính từ lòng suối lên) với mức đầu tư gần 300 triệu đã được hoàn thành trong niềm vui khôn xiết của vợ chồng ông Đại và người dân xóm Đại Đồng. Ngày khánh thành đưa cầu vào sử dụng, người dân trong xóm như mở hội. Chưa bao giờ đôi bờ con suối dữ án ngữ trước làng lại gần và hiền đến thế. Cây cầu hoàn thiện đúng dịp thu hoạch nông sản, nên những chuyến xe cứ nối tiếp nối đuôi nhau chở nông sản về xuôi trong niềm hân hoan của người dân. Và từ 3 năm nay, khi cây cầu do gia đình ông Đại xây dựng, mọi sinh hoạt trong xóm Đại Đồng thuận lợi hẳn. Không còn chuyện gập ghềnh đường lên đồi sản xuất. Không còn chuyện học sinh chậm học. Tuyệt nhiên không còn ai nhắc đến chuyện tai nạn rơi cầu.
Từ khi cây cầu do gia đình ông Đại xây dựng mọi sinh hoạt trong xóm Đại Đồng thuận lợi hẳn, việc đi lại dễ dàng hơn Ngoài bỏ tiền xây cầu cho dân đi, đóng góp của ông Đại và gia đình mang ông đối với cuộc sống của người dân xóm Đại Đồng nói riêng và chính quyền Đức Đồng nói chung là rất lớn. Nên thật dễ hiểu là khi hay tin ông Đại đổ bệnh phải nhập viện, nhiều người đã lo cho sức khỏe của ông, hàng ngày đều đến nhà động viên, chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Đức Đồng Thái Văn Tình nói, ông Đại là một tấm gương sáng trong mọi phong trào tại địa phương, là một Chủ tịch CCB mẫu mực, nhiều lần được huyện, tỉnh tuyên dương.
Tác giả bài viết: Văn Dũng
Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí
Ý kiến bạn đọc