Ông Hiển thực hiện bay thử nghiệm trên trực thăng tự chế cách đây chừng 5 ngày, ở một khu đất trống, có hàng rào bao quanh của người bạn tại TP Thủ Dầu Một.
Ông Bùi Hiển bên chiếc trực thăng tự chế “giấc mơ”. |
Để có chuyến bay thành công, ông chủ gara quê gốc Hà Tĩnh đã phải bỏ ra 6 tháng để tập bay thử.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Hiển vui mừng cho biết: “Tôi đã đầu tư gần 500 triệu và bỏ công sức trong vòng 2 năm, vừa làm vừa thử nghiệm, tới nay, chiếc trực thăng đã bay được”.
Trực thăng tự chế này được ông chủ gara ôtô đặt tên là Giấc Mơ. Trực thăng nặng khoảng 390 kg, dài 8,6 m, sải cánh chừng 7,1 m.
“Sau nhiều năm mày mò, cuối cùng tôi cũng hoàn thành được giấc mơ mình ngày đêm mong mỏi” – ông Hiển bộc bạch.
Theo người đàn ông 62 tuổi, các trực thăng mà ông từng chế tạo làm theo nguyên lý đồng trục, còn với cái hiện tại thì mới hoàn toàn với hệ thống đuôi và cánh quạt ở đuôi.
Bỏ ra gần 500 triệu và mày mò trong 2 năm, ông chủ gara mới hoàn thành chiếc trực thăng tự chế |
Tuy nhiên, khi cất cánh, trực thăng bị dạt ngang, gây khó cho người điều khiển, ông Hiển mất rất nhiều thời gian mới làm quen được.
Giúp chiếc trực thăng tự chế có thể bay ổn định, ông Hiển bỏ ra khoản tiền lớn thuê một công ty Đài Loan đúc cánh quạt bằng nhôm cao cấp. Hệ thống chuyển động số bằng dây cua-roa được thay bằng hộp số của xe ô tô loại 16 chỗ.
“Do công ty Đài Loan chuyên chế tạo cửa nhôm nên khi mình muốn loại hợp kim có titan (nhẹ và cứng) nhưng họ chỉ có nhôm 6061. Dù không đạt tiêu chuẩn nhưng mình vẫn phải lấy để làm cánh quạt”, ông Hiển nói và cho biết, cánh quạt của trực thăng tự chế nặng hơn tiêu chuẩn khoảng 3 kg (cánh tiêu chuẩn là 8 kg, cánh ông làm nặng 11 kg).
Chiếc trực thăng bay thử nghiệm ở bãi đất trống. |
Trong quá trình thử nghiệm, động cơ trực thăng rất ổn, chỉ có một số hỏng hóc lặt vặt liên quan tới hệ thống làm mát, hệ thống điện…
Tuy nhiên, ông chủ gara cũng thừa nhận rằng dù thành công bước đầu, nhưng để trực thăng “giấc mơ” được “đường đường chính chính” bay lên bầu trời còn mất rất nhiều công đoạn nữa.
“Các bộ phận như đĩa điều khiển, cánh quạt, hộp đuôi…mình đều phải nhập vừa đảm bảo an toàn và có nguồn gốc xuất xứ chứng thực cho việc đăng ký sau này” – lời ông Hiển.Nói về dự định sắp tới, ông Bùi Hiển cho biết sẽ đi xin chính quyền được cho phép bay thử nghiệm. Khi thành công, sẽ làm các thủ tục đăng ký bản quyền của chiếc trực thăng tự chế.
“Lúc có đầy đủ mọi giấy tờ hợp lệ cho “giấc mơ”, mình mới tính tới tương lai xem có phát triển tiếp nữa không” - ông Bùi Hiển nói.
Theo Văn Đức/VNN
Ý kiến bạn đọc