Tại Đại hội lần thứ III những người viết báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén… (8/9/1962). (Ảnh: Tư liệu)
Hơn 50 năm cầm bút, bằng trí tuệ, kinh nghiệm hoạt động cách mạng và nghề báo của mình, Bác Hồ đã để lại cho các thế hệ người làm báo hôm nay những chỉ dẫn, kinh nghiệm, cẩm nang về nghề nghiệp hết sức sâu sắc. Trong bức điện gửi Hội Nhà báo Á Phi (ngày 24/4/1965), Người viết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”. Với đội ngũ các nhà báo Bác nhắc: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén”, “ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”.
Cuốn sách “Bác Hồ với báo chí Thủ đô - Ánh sáng soi đường 2015” ra mắt bạn đọc đúng vào dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác giả cuốn sách Nhà báo Hồ Quang Lợi đã viết một cách khá đầy đủ về chân dung một con người - một nhà báo vĩ đại đã được “khắc họa” với đủ đầy đường nét của trí tuệ, tài hoa, đạo đức lẫn sự bình dị, khiêm tốn và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay, báo chí cách mạng ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng. Và điều đó đòi hỏi nhân cách người làm báo phải xứng tầm. Với ý nghĩa đó, việc học và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác Hồ, nhất là những căn dặn của Bác đối với người làm báo là việc làm cần thiết. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, báo chí cách mạng được Đảng ta trao cho sứ mệnh là người tiên phong trong việc tuyên truyền, giáo dục về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với quan điểm xuyên suốt: độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Đây cũng là mục tiêu, là tiêu chí quy định chức năng, nhiệm vụ; đồng thời cũng là môi trường phát triển của nền báo chí nước nhà.
Với Bác Hồ, mặc dù bận rất nhiều công việc của một vị Chủ tịch nước, nhưng Người vẫn luôn quan tâm đến sự phát triển của nền báo chí cách mạng. Phát biểu tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ II (4/1959), Người chỉ rõ: “Về nội dung viết, mà các cô các chú gọi là đề tài thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một đề tài là chống thực dân, đế quốc, chống phong kiến, địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó”.
Trong khoảng hơn 50 năm cầm bút, Bác Hồ đã viết hơn 2.000 bài báo và ký với gần 200 bút danh. Bác cũng từng chỉ đạo mở lớp đào tạo cho hơn 300 cán bộ báo chí và trực tiếp từ viết báo, biên tập cho đến trực tiếp xuất bản ...Từ thực tiễn đó, Bác luôn căn dặn: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần tu dưỡng đạo đức cách mạng”. “Lấy ngòi là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”.
Nhà báo Wilfred Graham Burchett trong một lần phỏng vấn Bác Hồ. Ảnh: TL
"Nói đến báo chí trước hết là nói đến cán bộ báo chí", họ là người cán bộ cách mạng, biết đặt quyền lợi của dân tộc, của nhân dân lên trên hết. Người làm báo phải là những Chiến sĩ trên mặt trận báo chí. Đây là tư tưởng bao trùm, quán xuyến của Hồ Chí Minh về người làm báo. Theo Bác, trên mặt trận báo chí, người làm báo phải có phẩm chất chính trị vững vàng và Người đã cụ thể hóa phẩm chất chính trị của một nhà báo phải được thể hiện từ việc xác định đối tượng phục vụ và nhiệm vụ của báo chí là: để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên báo chí phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu; phải xác định thật rõ ràng đường lối chiến lược của Đảng; phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản.
Xuất phát từ mục đích hoạt động của nền báo chí cách mạng là vì dân và từ vai trò to lớn của báo chí đối với xã hội, Bác đã khẳng định: “Một tờ báo không được đại đa số (dân chúng) ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo”. Người cho rằng, để báo chí hoàn thành sứ mệnh là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và quần chúng “cho nên, làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết”. Thấm nhuần tư tưởng của Bác, ngày nay, việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện nghề cũng như rèn luyện bản lĩnh của người cầm bút là một quá trình nối tiếp nhau không có điểm đầu mà cũng không có điểm kết thúc. Dũng cảm “phò chính”, “trừ tà” để mỗi nhà báo có thể tự hào nói rằng: Chúng tôi là những người làm báo vì nhân dân, vì đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo Nhân Dân tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh: TL
96 năm qua, nền Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo đã trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, nội dung và hình thức; cũng như sự lớn mạnh chưa từng có của đội ngũ những người làm báo. Đặc biệt, qua gần 35 năm đổi mới, báo chí đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của cả dân tộc. Những người làm báo hôm nay tiếp tục là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là kim chỉ nam cho hành động của đội ngũ các nhà báo cách mạng Việt Nam. Học tập những lời dạy của Người để thêm “sáng mắt, sáng lòng”, mỗi người làm báo càng rõ thêm trách nhiệm của mình, để không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm và ý thức nghề nghiệp, phấn đấu không ngừng cho một nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng vững mạnh và phát triển./.
Hoàng Anh Tuấn
báo chí, ánh sáng, sinh thời, chủ tịch, chí minh, nhà báo, tuyên truyền, quan điểm, chỉ đạo, vấn đề, to lớn
Ý kiến bạn đọc