I. TỔNG KẾT 25 NĂM KHÔI PHỤC DÒNG HỌ 1. Đặc điểm tình hình: Họ Bùi chúng ta có từ lâu đời ở xã Bấn Xá tổng Trung Lương.
Dưới đây là khái quát đặc điểm tình hình:
Tuy số hộ, số nhân khẩu, số đinh không đông nhưng lại là một dòng họ thuộc tầm cỡ trong vùng.
- Có nhà thờ họ tọa lạc trên một vùng đất theo hướng phong thủy, cảnh quan hài hòa, với vườn cây ăn quả, nằm trung tâm khu dân cư bên cạnh nhà tộc trưởng.
- Có đồ tế khí, hòm sắc, áo mũ cánh chuồn của quan triều đình và 12 đạo sắc rồng do vua ban cho vị tiến sỹ Bùi Đăng Đạt, khi ngài qua đời năm 1716 được khắc tiểu sử tóm tắt vào bia đá dựng tại đình bia Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội năm 1717.
- Có ruộng họ, ruộng giáp để duy trì mọi hoạt động của dòng tộc.
- Có Gia phả gốc được biên soạn ghi chép từ vị Thủy tổ khai sinh ra dòng họ Bùi chúng ta, dù quá trình bị tổn thất mất mát một số nhưng vẫn lưu được các thế hệ nối tiếp cho đến nay.
Trải qua nhiều thời kỳ biến đổi của đất nước, sự thay đổi chỗ ở và mọi tác động chủ quan, khách quan của địa phương. Nhờ có sức mạnh đoàn kết kiên trì quyết tâm phấn đấu nên mọi hoạt động của dòng họ được phát huy tốt. Tuy nhiên, bước ngoặt lịch sử buộc phải chấm dứt một thời kỳ 35 năm (1950 – 1985) với năm không:
- Không có đất nhà thờ.
- Không có nhà cửa.
- Không có di sản và đồ thờ cúng
- Không có hương khói đối với tổ tiên
- Không có sinh hoạt việc họ.
Đứng trước một hoàn cảnh đặc biệt mọi người đành nén chịu chờ thời cơ vận hội để làm lại từ đầu.
Sau khi đất nước đánh thắng đế quốc, giải phóng dân tộc và hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội, cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng và Nhà nước ban hành chủ trương chính sách về công cuộc đổi mới toàn diện, trong đó có chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng tiếp tục được thực hiện.
2. Khôi phục việc họ: Họ Bùi chúng ta cùng đồng hành với đất nước, quê hương thực hiện nhiều chủ trương lớn trên các lĩnh vực đem lại những kết quả đáng mừng, tạo cơ sở cho quá trình tiếp theo để xây dựng dòng họ ngày càng lớn mạnh.
Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ trích dẫn những phần trọng tâm để ghi vào Gia phả lần đầu tiên được biên soạn có nhiều đổi mới theo xu thế thời đại mà dòng họ và Hội đồng gia tộc đã có Nghị quyết đang được thực hiện.
* Một là: Quan tâm đến những người qua đời Thực hiện chủ trương đổi mới về quản lý kinh tế nông nghiệp Hợp tác xã nông nghiệp Quỳnh Lương, tiến hành cải tạo đồng ruộng, phong trào cất bốc mồ mả khá rầm rộ. Năm 1980, họ đã quy tập mổ mả những người qua đời về cõi vĩnh hằng còn lưu giữ được hài cốt lần lượt cất bốc về cát táng tại nghĩa trang, xây dựng mồ yên mả đẹp, vĩnh cửu, trường tồn. Đặc biệt lăng mộ tiến sỹ Bùi Đăng Đạt, trải qua 2 lần cát táng và cải táng, nay họ đã kiến tạo lăng tháp của ngài cùng với bà nội Bùi Thị Trung khang trang trên vùng đất đắc địa theo hướng phong thủy mà cha ông chọn địa lý. Lăng Ngài tọa lạc tại khu vực yên tịnh cuối dãy núi Thiên Tượng (Hồng Lĩnh) về phía Bắc, người đời còn gọi là “Lăng tiến sỹ”, nằm bên cạnh ngôi mộ vị tiên tổ khảo Bùi Đăng Xin. Thỉnh thoảng bà con họ tộc về thăm viếng, nhất là dịp Giỗ Tổ ngày 08 tháng Giêng, ngày 10 tháng 6 và ngày 15 tháng 7 lễ Vu Lan báo hiếu theo Âm lịch hàng năm.
* Hai là: Xây dựng nhà thờ Năm 1985, khởi công xây dựng trong điều kiện từ con số không, hoàn cảnh nhiều gia đình lúc này cũng còn có nhiều khó khăn, nhưng nhờ quyết tâm thực hiện mà thành. Một ngôi nhà thô sơ và mua sắm hiện vật thờ cúng, từ đó mọi hoạt động của dòng họ được khôi phục và trải qua 2 lần bổ sung thêm như xây dựng khuôn viên tường bao, bia tiến sỹ trên vùng đất do gia đình ông Bùi Bá Định cúng hiến. Tuy nhiên, trải qua thời gian 20 năm (1985 – 2005) sử dụng, đã xuống cấp và cần được kiến tạo lại.
Giỗ Tổ ngày 8 tháng Giêng năm Ất Dậu (2005) là một mốc son quan trọng của họ. Sau khi tế lễ xong, một cuộc sinh hoạt của họ có sự tham gia của số đông bà con nội ngoại đã thống nhất ra Nghị quyết 06 điểm:
1. Kiến tạo, nâng cấp, mở rộng quy mô nhà thờ, mua sắm đồ tế khí, trang bị đường điện sáng.
2. Kế thừa biên soạn cuốn Gia phả và sơ đồ Tộc Phả theo hướng đổi mới và phát triển.
3. Thay đổi tên gọi Ban thành Hội đồng gia tộc (HĐGT) gồm 5 thành viên
- Ông: Bùi Bá Châu - Tộc trưởng họ đại tôn – Trưởng ban
- Ông: Bùi Bá Định - Ban biên tập chịu trách nhiệm chính
- Ông: Bùi Ngọc Tuân - Thành viên
- Ông: Bùi Quang Trung - Thành viên
- Ông: Bùi Ngọc Linh - Thành viên
Ban phân công ông Bùi Bá Định và ông Bùi Ngọc Linh phối hợp soạn thảo các văn bản.
4. Quyết định suy tôn tên gọi họ là “Họ Bùi Đăng”.
5. Phát động các chủ hộ viết bản khai lý lịch cá nhân và gia đình để ghi vào Gia phả.
6. Sơ bộ lập thiết kế dự toán để phân bổ nguồn thu kinh phí.
Quán triệt quan điểm phải tập trung quyết tâm cao nhất cho công việc tái tạo nhà thờ, vì đây là nguyện vọng chính đáng xuất phát từ yêu cầu thực tế và đã có một thời gian vận động chín muồi. Không triển khai việc này thì khó lòng giải quyết các công việc khác. Tuy nhiên khi bước vào thời kỳ triển khai Nghị quyết của họ thì liên tục gặp khó khăn.
Nghị quyết thiết kế dự toán ở thời điểm đầu năm 2005 là cần có nguồn thu từ 40 - 50 triệu đồng nên tạm phân bổ mỗi đinh 1.000.000đ (một triệu đồng), nhưng do tiền trượt giá, vật liệu và công thợ biến động leo thang liên tục. Vì thế, một mặt thì thu bao nhiêu là phải đưa đi gửi tín dụng để có thêm nguồn lãi, mặt
khác tiếp tục bổ sung nguồn các đợt vẫn đưa đi gửi tiết kiệm.
Cuối năm 2005, ông Định bận công việc bàn giao hồ sơ của thời kỳ 17
năm quản lý khôi phục Di tích chùa Thiên Tượng cho Ban quản lý và trưởng ban mới để yên tâm tập trung cho công việc họ tộc. Do đó, công việc soạn thảo phân công ông Linh tiếp tục thực hiện. Qua thời gian dài 1 năm ông hoàn thành quyển dự thảo đưa cho ông Định đọc và sơ bộ tranh luận những điểm còn bỏ ngõ mà các lần biên soạn trước đây chưa có chứng lý thuyết phục để ghi nhận bổ sung. Lần biên soạn này, ông Linh đã tra cứu nhiều sử sách Nhà nước, quê hương và dòng họ, có lập luận nhằm góp phần làm sáng tỏ vấn đề bí ẩn mà ông cho là đúng với trình độ nho giáo điềm đạm, mẫu mực trong đối nhân xử thế, luôn quan tâm đến họ tộc của ông bố Bùi Ngọc Lung là cái ren truyền lại nguyên bản cho con. Một kỹ sư Bùi Ngọc Linh ở tuổi 69 mất ngày 15/12 năm Bính Tuất (12/01/2007) thì những đóng góp của ông là có cơ sở cả lý và sự đáng tin cậy. Tuy nhiên, rất tiếc các thành viên Hội đồng gia tộc mới đọc qua chưa tổ chức hội thảo được.
Cuối năm 2006, ông Bùi Ngọc Linh bị tai nạn giao thông qua đời không một lời trăng trối, để lại khó khăn lớn cho tôi và dòng họ. Vậy là việc xây dựng nhà thờ phải hoãn lại một năm sau mới tiến hành, còn biên soạn Gia phải vẫn tiếp tục.
Nhờ sự linh thiêng và hộ trì của tổ tiên, công việc xây dựng nhà thờ và làm Gia phả lại tiếp tục có bước tiến.
- Năm 2007, tôi có chuyến đi vào các con ở Sài Gòn chơi thời gian dự kiến dài, nên Hội đồng gia tộc họp Quyết định bổ sung ông Bùi Ngọc Tần vào Hội đồng gia tộc cho đủ 5 thành viên. Đồng thời phân công ông Bùi Quang Trung phối hợp cùng ông Bùi Bá Định chịu trách nhiệm biên tập bản thảo Gia phả. Theo đề nghị của ông Trung tôi mang toàn bộ hồ sơ vào biên tập bản thảo Gia phả cùng với bản thảo lịch sử truyền thống làng cố Bân Xá được kết hợp. Sau thời gian 07 tháng ở Sài Gòn, được sự giúp đỡ của các con Kính và Ngân, bản thảo Gia phả đã được đánh vi tính và 3 lần chỉnh sửa để đưa về cho Hội đồng gia tộc và bà con tham khảo.
- Năm 2008, Giỗ Tổ ngày 08 tháng Giêng năm Mậu Tý. Công việc xây dựng nhà thờ, vì lý do đặc biệt phải tạm dừng, đến thời điểm này tiếp tục thực hiện. Sau khi tế lễ xong thì có cuộc họp họ, Hội đồng gia tộc báo cáo toàn bộ công việc tiến hành trong 3 năm qua (2005 – 2007) và mở rộng nâng cấp nhà thờ theo mô hình mới đã tham khảo một số nhà thờ các họ trong xã, do đó gia đình ông Bùi Bá Châu cúng hiến diện tích đất mở thêm.
- Để đảm bảo kế hoạch thì cần có một khoản kinh phí hơn 100 triệu đồng, đến thời điểm này đã trải qua 3 lần bổ sung nguồn thu mỗi đinh đóng từ 2.300.000đ đến 2.500.000đ, tương ứng với 600 – 700kg thóc. Đặc biệt lần này có phần đóng góp của con gái, con rể và các con cháu ngoại trên tinh thần tự nguyện từ 500.000 đồng trở xuống, không có mức quy định, nhưng đại bộ phận đều t ham gia. Ngoài phần đóng góp nghĩa vụ theo quy định có một số gia đình còn tự nguyện cúng dường cả tiền mặt và hiện vật từ 2.000.000đ – 4.000.000đ cùng với tiền lãi tín dụng đáp ứng nhu cầu kế hoạch và tăng 2,5 lần so với dự toán ban đầu.
- Lễ động thổ vào ngày 24 tháng 01 năm Mậu Tý (01/3/2008).
- Lễ khánh thành ngày 10 tháng 7 năm Mậu Tý (10/8/2008), với sự tham gia của bà con nội ngoại, cùng dự cuộc vui với họ ta có các vị khách mời trong và ngoài địa phương, trong đó có ông Bùi Chí Thành – trưởng phòng VHTT Thị xã Hồng Lĩnh và ông Bùi Ký đại diện họ Bùi làng Ngọc Sơn.
- Báo cáo tổng kết công trình hơn 100 triệu đồng. Đây là thắng lợi lớn mang nhiều ý nghĩa quan trọng, có một số hạng mục chưa thể nghĩ tới thi công trong đợt này nhưng với khí thế phấn khởi của mọi người không những số tiền vượt ngoài dự kiến nguồn thu mà các hiện vật đắt tiền cũng được con cháu cúng hiến càng tăng thêm tính uy nghiêm của nơi thờ phụng tổ tiên
- Hội đồng gia tộc báo cáo cân đối thu – chi thì số tiền còn lại không đủ để thực hiện mà cần có khoảng 5 – 6 triệu đồng, vì thế nên trưng cầu ý kiến bà con, mỗi đinh đóng thêm 100 ngàn đồng nữa, cộng với khoản còn lại, được sự thống nhất và nhanh chóng Nghị quyết của họ được thực hiện.
Với một nguồn tài chính động viên sức đóng góp lớn như vậy, nhưng tất cả bà con nội ngoại nhất là phần đóng góp nghĩa vụ theo quy định có những gia đình 3 – 4 đinh số tiền lên đến gần chục triệu đồng, trong lúc đó còn phải đầu tư cho các con ăn học và nhiều việc khác cần đến khoản tiền lớn mà nguồn thu nhập thì hạn hẹp. Có những người con gái và con cháu ngoại đang còn phải chi dùng cho gia đình cũng đòi hỏi lớn, từ trước đến nay chưa bao giờ dám động viên thì nay cũng hưởng ứng xin được đóng góp. Trong cả quá trình thực hiện và gặp khó khăn bổ sung nguồn thu nhưng không hề nghe một lời phân vân. Ngược lại, mọi người đều phấn khởi coi đây là cơ hội biểu thị tấm lòng hiếu đạo, trung thành cung kính đối với tổ tiên, dòng tộc và gửi gắm niềm tin vào vai trò điều hành của Hội đồng gia tộc tiêu biểu đại diện cho họ tộc, khi đã có Nghị quyết thì tự giác chấp hành, không đợi ai phải nhắc nhỡ. Chính nhờ ý thức của mọi người tạo động lực thúc đẩy tiến độ công việc, dù khó khăn mấy cũng vượt qua, điều đó nói lên tấm lòng công đức cao quý của bà con cần được ghi nhận vào quyển Gia phả, sơ đồ Tộc phả và rất xứng đáng với tấm bảng vàng treo tại nhà thờ.
* Ba là: Kế thừa biên soạn Gia phả và sơ đồ Tộc phả Đây là công việc quan trọng, vì thế các hồ sơ tư liệu các lần biên soạn trước đây chuyển giao lại những phát sinh tiếp theo, cùng với sự đổi mới của lần biên soạn hiện nay phải được xem xét thận trọng. Đặc biệt, những vấn đề bất hợp lý về dời thứ cũng cần được nghiên cứu xác minh để có cơ sở khách quan và trung thực.
Cuộc hành trình mò kim đáy biển đi tìm lời giải về đời thứ trong dòng tộc Không hiểu vì sao mà trong Gia phải dù có những hạn chế nhưng hệ thống mạch dòng vẫn được tiếp nối, riêng Chi 1 từ đời thứ 9 đến đời thứ 13. Nếu tính theo quy ước xếp đời (25 – 30 năm) thì bị bỏ khoảng 5 đời x 25 (125 năm) không được ghi. Vì thế, tạo sự khó khăn trong quá trình xác minh đời thứ. Chúng ta thử truy ngược lại khoảng thời gian đó.
Ông Bùi Vỵ là tộc trưởng họ Đại tôn, sinh năm 1876, mất năm 1926, hưởng dương 50 tuổi. Là một gia đình truyền thống, kỷ cương làm nông nghiệp, kinh tế khá giả nên được ăn học chu đáo, thông hán văn và quốc ngữ, là người có uy tín trong làng xã nên từ cựu lý trưởng rồi trúng chánh tổng (tổng Trung Lương gồm có 7 làng) tuy thời gian rất ngắn thì ông qua đời. Sinh thời ông rất quan tâm đến việc Họ, Giáp, Làng. Đặc biệt quý trọng bảo vệ quyển Gia phả rất chu đáo.
Ông Bùi Vỵ lấy vợ là bà Bùi Thị Trinh. Bà Trinh là con gái của bà Bùi Thị Nga (lịnh cô chi 2), đời thứ 13. Do đó, bà Trinh thuộc đời thứ 14 mới ghi ông Bùi Vỵ cùng đời với bà Trinh. Thời gian qua, tôi đi tìm hiểu các bậc cao tuổi trong làng được ông Đoàn Lệ, ông Nguyễn Huy Hồng và bà Bùi Thị Bốn cung cấp khá chi tiết nhiều thông tin, vì thế phải làm nhiều phương pháp xác minh mới đủ cơ sở thừa nhận về tuổi tác, năm sinh, năm mất và các mối quan hệ trong làng xã của ông Bùi Vỵ.
Một minh chứng hiển nhiên là bà Bùi Thị Bốn (bà Liệu Đoài) năm 2006 lúc này bà 86 tuổi cung cấp.
- Ông Bùi Huy Quát lấy vợ là bà Phạm Thị Thuật (cha mẹ của bà Bùi Thị Bốn, ông Quát là em trai ông Bùi Vỵ).
- Bà Bùi Thị Tợng, mất sớm chưa có chồng con.
- Ông Bùi Ba có vợ chưa có con vì mất sớm, bà tái giá lấy chồng về xóm Bảng xã Trung Lương.
Vậy mà trong Gia phả 3 người em ông Bùi Vỵ không được ghi, vì thế lần này mới được xác minh bổ sung.
Một minh chứng thứ 2 là ông Bùi Vỵ sinh năm 1876, bà Bùi Thị Trinh sinh năm 1881, ông Vỵ hơn bà Trinh 5 tuổi, bà Nga (đời thứ 13) lại hơn ông Bùi Vỵ 16 tuổi, vì không phải là con đẻ nên chỉ được áp dụng theo quy ước để tính thì ông Vỵ có thể ở đời thứ 13 chứ không thể ghi theo vợ đời thứ 14 được.
Một minh chứng thứ 3 là ông Bùi Ngọc Linh, qua nghiên cứu nhiều cứ liệu có vợ và 4 con. Cụ thể ông Vỵ, ông Quát, bà Tọng và ông Ba là con của ông bà (đời thứ 12). Vì Gia phả bị mất nên tên tuổi, năm mất, mộ táng của ông bà bị thất truyền. Tuy nhiên do ông Linh qua đời đột ngột nên những lập luận của ông có cơ sở cho là đúng lại chưa được Hội đồng gia tộc công nhận.
Như vậy một câu hỏi đặt ra là: Chi 1 bị thất lạc mất Gia phải trong hoàn cảnh nào ? Lý do gì ? Và nhất là nó không nằm trong khung thời gian từ năm 1945 trở đi được mà phải là trước đó, nhưng thời điểm và lý do thì khó lòng mà xác minh. Quan điểm của tôi không phải là vị trí ngôi thứ, bởi nó đã có quy luật tự nhiên (họ là gia đình mở rộng) tuần tự theo dòng chảy. Quan tâm đến Họ Tộc là phải chấp nhận sự hy sinh có khi kể cả công sức và tiền của, phải có tình thương, chờ đợi, nhường nhịn nhau. Vì đây không phải là nơi đua sức, đua tài, ganh tỵ mà là nơi đoàn kết phụng sự tổ tiên, do đó sự nhận thức của mỗi người không thể đòi hỏi đồng nhất một lúc và thực tế quá trình chúng ta vận dụng quan điểm ấy mới đem lại thành công. Đây là công sức của cả dòng họ chứ không riêng ai. Vì vậy xây dựng họ vững mạnh là phải trên cơ sở thực chất những gì mà tổ tiên xây móng đắp nền mới có một ngôi nhà vĩnh cửu trường tồn của dòng đời vô tận. Chính xuất phát từ quan điểm nhìn nhận tổng thể cần mở rộng mối quan hệ trong xã, ngoài vùng gắn với tư liệu lịch sử, đất nước quê hương để làm phong phú thêm những điều mong ước đối với các thế hệ từ trước đến nay, đây là công việc hết sức khó khăn.
Tôi cũng đã thận trọng tham khảo các Gia phả của các dòng họ khác và các tư liệu lịch sử địa phương.
- Đọc Gia phả họ Nguyễn- họ Lê xã Trung Lương do ông Nguyễn Văn Đậu và ông Lê Dương cung cấp cho ban biên tập viết lịch sử Đảng bộ mà tôi là người chịu trách nhiệm viết bản thảo.
- Đọc quyển Gia phả họ Bùi làng Ngọc Sơn, do ông Bùi Ký cung cấp, từ đó có thêm tư liệu xác minh mối quan hệ liên quan với Họ ta mà bài thơ lục bát mô tả điển tích và 3 lần tôi vào tiếp tục nghiên cứu thêm một số chi tiết và đã ghi vào nhật ký lưu hồ sơ để con cháu 2 dòng họ sau này cần quan tâm.
- Đọc Gia phả họ Bùi xã Đậu Liêu, do ông Bùi Thạc, Bùi Trị cung cấp để giao lưu chia sẻ niềm vui vinh dự cho họ Bùi trên địa bàn Thị xã Hồng Lĩnh mà 2 vị tổ có danh tiếng Quốc Gia.
- Đọc Gia phả họ Nguyễn, chi phái Hồng Nam Đại Lộc – Can Lộc, có ông Nguyễn Văn Ý là người con rể làng Quỳnh Lâm quan hệ mất thiết giúp làng giải tỏa khi xảy ra kiện tụng ở huyện đường do mâu thuẩn tranh chấp giữa các làng trong vùng (Gia phả do ông Đoàn Văn Hoàn nhận quyển phô tô cung cấp).
Đi lên xóm 8, xã Nghĩa Đồng – Tân Kỳ - Nghệ An, đọc quyển Gia phả chi họ Bùi ở đây do bố con ông Bùi Lượng, Bùi HIển cung cấp, ông Bùi Lý là một vị quan của huyện Can Lộc mang Gia phả cùng gia đình anh em lên cư trú tại đây đến nay có 12 đời. Thời kỳ này họ Bùi chúng ta lại vào giai đoạn bị thất thoát một số đời. Vì lý do tâm linh buộc 2 bố con ông Lượng phải mang Gia phả đi tìm nguồn gốc tổ, mà trong Gia phả ghi một số ngôi mộ của các vị trước thời kỳ ông Lý ở giai đoạn từ đời thứ 12 về trước táng tại cánh đồng cũ của Bân Xá. Sau 3 lần bố con ông Lượng có về Giỗ Tổ ngày 08 tháng Giêng và giao lưu với họ ta. Tuy nhiên, do chưa có đủ cơ sở chứng cứ để hai bên công nhận, dù sao đây cũng là điểm quan trọng để con cháu hai dòng họ tiếp tục xác minh, vừa qua bố con ông Lượng qua đời do đó sự liên lạc bị dừng lại.
- Đi ra Làng Chế thuộc xã Xuân Lam, Huyện Nghi Xuân tìm hiểu tiểu sử
tiến sỹ Thái Văn Nho, là bạn thân với tiến sỹ Bùi Dăng Đạt, hai vị đã một thời có mối thâm giao mật thiết, tư liệu do thầy giáo Thi nghỉ hưu, là người biên tập Lịch sử Đảng bộ cung cấp.
- Đọc nhiều lần tài liệu “Bãi Vọt đối diện quá khứ” do ông Thái Kim Đĩnh, hội viên văn hóa dân gian Việt Nam, hội viên Hội văn học Hà Tĩnh biên tập do Sở VHTT Hà Tĩnh phát hành năm 1991, trong đó có tư liệu lịch sử xã Bân Xá.
- Đọc quyển hướng dẫn việc họ của Tân Việt, do nhà xuất bản văn hóa Dân tộc tái bản lần thứ 6 phát hành năm 2004, đây là cảm nang rất quý dựa vào để vận dụng cho phù hợp với đặc điểm của Họ ta khi biên tập (sách do Bùi Đức Kính cung cấp).
- Năm 1996, tôi là biên tập viên trong Ban biên tập viết Lịch sử Đảng bộ xã Trung Lương nên có khá nhiều tư liệu thu thập để ghi vào quyển dự thảo và lưu giữ hồ sơ.
- Năm 2001 – 2003, được đóng góp với bảo tàng Hà Tĩnh lập hồ sơ di tích chùa Thiên Tượng, năm 2004 Bộ VHTT cấp bằng xếp hạng Di tích Quốc gia, nên tôi được lưu giữ một bộ hồ sơ có nhiều tư liệu lịch sử của quê hương.
-Trong thời gian họ ta đang thực hiện Nghị quyết kiến tạo nhà thờ, biên soạn Gia phả thì nhận được tin vui, đó là cả nước thành lập Ban liên lạc. Họ Bùi Việt Nam có điều lệ, tôn chỉ, mục đích, quy ước hoạt động theo tiêu chí.
+ Tìm về cội nguồn.
+ Liên kết dòng tộc.
+ Tôn vinh Tiên Tổ.
+ Động viên con cháu.
Hướng hoạt động tập hợp họ Bùi trong vào ngoài nước theo tiêu chí trên đây, nhằm mở rộng động viên các vùng thành lập ban liên lạc địa phương để gắn kết cả cộng đồng.
Từ năm 2005 đến đầu năm 2009, Ban liên lạc họ Bùi Việt Nam đã biên tập xuất bản được 11 tập san, trong đó tập 8 có bài viết của tôi giới thiệu lịch sử truyền thống của họ Bùi chúng ta đã được đăng và phát hành 2000 cuốn, tập 9 có trích đăng 10 câu lục bát trong bài thơ nhan đề “Tâm nguyện” nói về điển tích họ ta.
Tháng 4 năm 2008, Đại hội lần thứ nhất họp tại thủ đô Hà Nội, bầu ban liên lạc họ Bùi Việt Nam và các tiểu ban, đồng thời Quyết định những vấn đề lớn trong thời gian tới. Hiện trong tủ sách của họ ta đã có 11 quyển tập san là nguồn tài liệu quý của hoạt động giao lưu họ Bùi trong cả nước sẽ tiếp tục phát triển theo mục tiêu định hướng.
Như vậy đây là thời cơ vận hội đến đúng lúc với sự bắt nhịp chủ trương phục hồi việc họ mà họ ta bước đầu đã có những kết quả đáng mừng. Tuy họ ta chưa đông, chưa đủ sức mạnh như nhiều họ Bùi khác trong cả nước nhưng đã có tiếng nói hội nhập với trào lưu của xu thế thời đại, lan tỏa ra cộng đồng xã hội. Từ nay trở đi chắc chắn ta sẽ đón nhận được nhiều niềm vui (nếu biết tranh thủ vận dụng liên kết và phát huy).
Sỡ dĩ tôi quan tâm đến sự kiện của quá khứ, với sự kết nối qua các thời kỳ và nhân chứng lịch sử của một khối lượng tư liệu khá phong phú như vậy là nhằm mục đích biên soạn cuốn lịch sử truyền thống của làng cổ Bấn Xá, chuyển giao cho hậu thế, và cùng với việc biên soạn Gia phả và sơ đồ tộc phả nhằm tôn vinh tổ tiên, động viên con cháu góp phần xây dựng dòng họ ngày càng lớn mạnh xứng đáng với ân đức tổ tiên và các thế hệ đi trước.
Qua một thời gian khá dài có nhiều cuộc họp hội thảo hết sức dân chủ, mỗi lần như vậy văn bản được bổ sung hiệu chỉnh và cuối cùng người chịu trách nhiệm chính tập hợp biên soạn hoàn thiện.
Ngày 27 tháng 2 năm 2009 (30/01 Kỷ Sửu), Hội đồng gia tộc họp cả ngày tại nhà thờ. 10 nội dung và sơ đồ trưng bày, giới thiệu phân tích, lý giải thận trọng góp phần tạo nên sự thống nhất cao. Tuy nhiên một số ít chi tiết nhỏ góp ý bổ sung tôi đã tiếp thu chuẩn bị cuộc họp tiếp sau. Đồng thời tại cuộc họp này Hội đồng gia tộc bàn kỹ thêm một số nội dung mới quan trọng mà các lần biên soạn trước đây chưa có chủ trương ở vùng ta hiện nay cũng chưa có họ nào thực hiện, đó là:
- Về phía bên ngoại ghi tiếp thế hệ thứ 3 (trước đây chỉ có 2) với lý do: Đặc điểm chung cả cộng đồng xã hội mà tiền lệ chế độ phong kiến áp đặt trọng nam khinh nữ từ mối quan hệ gia đình, họ hàng, làng xã phân biệt đối xử quá bất công. Trong khi, vai trò người phụ nữ có vị trí quan trọng lại không được ghi nhận, ít được bàn bạc Quyết định những vấn đề lớn. Ngày nay, quyền bình đẳng, giới đã được Nhà nước ban hành thành luật, chủ trương sinh đẻ có kế hoạch, mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh 1 - 2 con để nuôi dạy con tốt.
- Ngoài ra, đặc điểm riêng của dòng họ ta đã sớm hòa nhập cộng đồng xã hội. Người làm vợ, làm mẹ chăm lo xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc gia đình và đóng góp công lao đối với xã hội, quan tâm chữ hiếu, lo phụng dưỡng ông bà, cha mẹ còn tại thế. Đồng thời họ cũng quan tâm đến việc thờ cúng những người đã qua đời, chăm lo nơi thờ tự Gia tộc - Gia tiên – Đền – Chùa – Điện – Thánh, còn gọi là văn hóa tâm linh. Nếu quan sát kỹ hơn, ta thấy có khi việc làm của họ (loại trừ mê tín di đoan) đại đa số có sự thầm lặng về chiều sâu, tính đạo hiếu làm người góp phần xây dựng nền tảng đạo đức nhân cách để ứng dụng trong cuộc sống, nhất là thời mở cửa hội nhập. Đặc biệt đối với họ ta trong thời gian qua, thông qua việc kiến tạo nhà thờ, biên soạn Gia phả đã chứng minh điều đó, thể hiện người phụ nữ đóng vai trò quan trọng tạo nên sự đồng thuận ngay từ gia đình, làm động lực thúc đẩy công việc của họ tộc dù khó khăn đến đâu cũng vượt qua. Chính vì thế, từ nay trở đi quan điểm nhìn nhận vai trò con gái, con dâu, con rể đối với dòng họ cũng cần có sự đổi mới đó là yêu cầu của tất yếu khách quan.
Nhận thức quan điểm và đề ra chủ trương thì dễ nhưng việc thực hiện thì vô cùng khó khăn, vì từ trước đến nay trong họ chưa có tiền lệ. Trong vùng cũng chưa có mô hình do đó sắp xếp hệ thống mạch dòng, thứ tự đời được chỉ dẫn cho phù hợp, kết nối dễ nhận biết và sơ đồ treo tại nhà thờ con cháu nội ngoại xa gần khi về nhà thờ là nhận ra vị trí của mình và mối quan hệ bề bậc thế thứ ra sao để biết mà xưng hô cho phù hợp.
Việc xây dựng sơ đồ phả hệ Một sơ đồ dòng tộc phải thể hiện vừa mang tính trang nghiêm, cung kính đối với tổ tiên, văn hóa nghệ thuật đối với dòng họ, nhằm đảm bảo tiêu chí sống động và thực chất tôn vinh tổ tiên. Động viên con cháu chung sức, chung lòng luôn thắp sáng niềm tự hào với truyền thống lịch sử mà phát huy. Trải qua một thời kỳ dài, đổ ra nhiều công sức nay thực hiện chủ trương này phải sưu tầm thống kê đầy đủ, số lượng con cháu ngoại thì đông, làm sao tránh khỏi sai sót, so với khả năng và sức khỏe của người chấp bút thì hơi đuối sức. Tuy nhiên, vì nghĩa lớn đối với tổ tiên phải quyết tâm, do dó yêu cầu các thành viên Hội đồng gia tộc tùy theo khả năng từng người cần có sự đóng góp tích cực vào hồ sơ. Sau khi đã chốt con số thì sơ đồ được phác thảo xong, tranh thủ nơi in ấn nhận làm cho mới yên tâm. Vậy là một cuộc phấn đấu 56 ngày đêm quyết liệt thì bản thảo mới hoàn thành cơ bản (vì còn phụ thuộc không chế thời gian).
Ngày 12 tháng 2 năm 2009 (17/3 năm Kỷ Sửu), Hội đồng gia tộc nghe người soạn thảo báo cáo kết quả mọi người nhất trí cao, tuy nhiên, để đảm bảo chặt chẽ, chu đáo hơn, chỉ bổ sung một số ý kiến nhỏ và văn bản được hoàn thiện nhanh.
Ngày 23 tháng 4 năm 2009 ( 29/3 năm Kỷ Sửu), Hội đồng gia tộc họp lần cuối cùng sau khi nghe người soạn thảo giới thiệu sơ đồ, bố cục trang trí, câu đối và các thành viên Hội đồng gia tộc chịu trách nhiệm cũng như những yêu cầu đặt ra, những điều cần lưu giữ trên sơ đồ lâu dài. Toàn bộ sơ đồ được Hội đồng gia tộc phấn khởi đánh giá cao với kết quả đạt được.
Ngày 24 tháng 4 năm 2009 (30/3 năm Kỷ Sửu), 3 thành viên trong ban biên t ập vào bàn giao cho cơ sở nhận in ấn, hai bên cùng nhất trí về nội dung bố cục và khung gỗ kính.
Thời gian này lại xảy ra trục trặc, khó khăn lớn, tưởng chừng phải tạm dừng, nhưng không có gì quan trọng bằng mệnh lệnh trừ trái tim đối với tổ tiên, dòng tộc, do đó phải có quyết tâm đến mức cao nhất mới thành công. Tuy nhiên, do gặp khó khăn đặc biệt nảy sinh nên không tránh khỏi những thiếu sót nhật định, dù sao sự thành công lớn là kết quả công sức đóng góp của nhiều người trong một thời gian dài nay đã bù đắp và nếu có thiếu sót, sau này sẽ bổ sung cho thật hoàn thiện.
Ngày 27 tháng 5 năm 2009 (4.5.Kỷ Sửu), tập thể HĐGT đã nhận bàn giao và thanh toán, sơ đồ được treo tại nhà thờ.
Với một mục đích quan trọng để bà con nay và hậu thế mai sai hiểu về quá trình xây dựng và phát triển của họ ta. Thấm thía về những lời dạy của cổ nhân về việc xây dựng dòng họ hưng thịnh thế nào. Giữ cho gia đình ấm êm, hạnh phúc và phát triển thịnh vượng đã không dễ; làm việc đó đối với cả dòng họ càng khó hơn nhiều.
Nhìn thấy sự thành công to lớn, toàn diện những gì mà thời gian qua ta đã
giành được chúng ta càng thấm thía về nội dung cuốn sách hướng dẫn làm việc Họ của Tân Việt mà chúng tôi xem đó là tài liệu cẩm nang để vận dụng.
Làm việc Họ không khó mà cũng không dễ
1. Không khó, vì không phân biệt tuổi tác, giàu nghèo, trình độ chính trị, văn hóa cao hay thấp, chính kiến quan điểm hay hay dở. Ai có lòng cung kính đối với Tổ tiên, đoàn kết với Họ hàng đều làm được.
2. Khó và rất khó. Muốn họ Tộc ngày càng hưng thịnh, gắn bó đoàn kết với nhau. Muốn động viên toàn bộ con cháu trong Họ chung sức chung lòng thì người chủ trì chăm lo việc Họ phải có đủ 4 yếu tố:
Tâm – Trí – Lực – Tài -
Tâm: Chữ hiếu, chữ để, chữ hòa, chữ kính
-
Trí: Có tầm hiểu biết chung tương đối có uy tín trong họ
-
Lực: Thể lực có sức khỏe tương đối, không già yếu quá
-
Tài: Tài chánh không quá khó khăn
Trong 4 yếu tố ấy thì chữ tâm là chính, nếu có vai vế uy tín trong xã hội càng thêm thuận lợi nhưng 4 yếu tố trên là cơ bản.
Bất cứ Họ nào, bất cứ con người nào dù có tài ba lỗi lạc mấy, cá nhân cũng không thể viết được Gia Phả mà chỉ có kế thừa đời trước và hướng dẫn đời sau.
Việc biên soạn cuốn Gia Phả và sơ đồ Tộc Phả là một công trình có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, do đó đòi hỏi phải có nhiều người tâm huyết đóng góp thì mới hạn chế bớt thiếu sót. Công việc họ Tộc không bao giờ đòi hỏi 100% mỗi con người, mỗi sự việc được. Nhưng nhìn vào dòng họ thì nhìn vào ngọn cờ bay, không nhìn ngọn cờ rũ. Vì vậy mà vai trò người điều hành phải hết sức tế nhị, vận dụng khôn khéo khi tình riêng tốt đẹp, nghĩa chung trọn vẹn thì mọi thành công mới mang đầy ý nghĩa trọng đại đối với Tổ tiên họ Tộc.
Vận dụng những yêu cầu trên đây đối chiếu với bản thân: Định tôi là con
người thua kém nhiều mặt cả về trình độ văn hóa, sự hiểu biết và tâm nhìn còn hạn chế, tài chính phần lớn còn phụ thuộc vào cung cấp của các con cháu, sức khỏe ngày nay ở cái tuổi gần 80, sự sa sút trong cơ thể đi theo quy luật (sinh-lão – bệnh – tử) do đó lực bất tòng tâm. Vậy mà lâu này tôi bắt nó phải đi ngược lại (tầm bất tòng lực), chính vì thế mà công việc Họ trong thời gian qua toi đã phải huy động đến mức tối đa cả 4 yếu tố ấy. Ngày đêm thao thức trăn trở, và rất thông cảm đặc điểm khó khăn của Họ ta. Có người rất tâm huyết muốn được đóng góp công sức, trí tuệ vào cơ hội này nhưng vì điều kiện hoàn cảnh cụ thể, đành chấp nhận tham gia có mức độ theo yêu cầu.
Tôi ý thức được Tộc là tình, không có gì bị ràng buộc và bắt buộc một ai phải tuân theo cứng nhắc như luật pháp nhà nước, chỉ có trái tim khối óc đối với Tổ tiên và họ Tộc mà tự nguyện.
Làm việc Họ không được phép kể công và đòi hỏi hưởng thụ riêng tư, không phải cố gắng hết sức cốt chỉ lấy tiếng khen, làm tốt không có bằng khen, giấy khen nếu làm sai làm hỏng thì bị người đời chê cười và Tổ tiên trách quở.
Toàn bộ bài viết ở phần Phụ lục tuy dài, nhưng chắc chưa thể phản ánh được thật đầy đủ để làm thỏa mãn tấm lòng trung thành của bà con đối với họ Tộc được và cũng đúng như quyển sách hướng dẫn việc Họ của Tân Việt mà tôi đã bám lấy để vân dụng.
(Người viết Gia Phả cũng như người thợ chụp ảnh chỉ cần nhắm ống kính vào chính diện chứ không thể chụp hết mọi ngóc ngách mới cho đây chính là ngôi nhà của mình) do đó có thể sai sót hoặc thiếu chỗ này, thừa chỗ kia do kỹ thuật khi bấm máy, âu cũng là lẽ đương nhiên.
Dù sao thì tôi cũng đã cung cấp cho bà con một văn bản mà theo suy nghĩ của tôi rất hài lòng, những gì đã đưa đến mọi thành công đối với họ Tộc chúng ta nhưng cũng không thể chủ quan với một khối lượng biên tập khá nhiều. Vì thế, khi người đọc cảm thấy chỗ nào còn chưa rõ hoặc còn phân vân thì gặp tôi trao đổi, tránh hiểu lầm làm méo mó bản chất của vấn đề. Năm 2009, tôi lại có chuyến đi Sài Gòn chơi với các con cháu và dưỡng sức từ tháng 6 đến đầu tháng 10/2009, trong thời gian hơn 4 tháng tiếp tục mang hồ sơ vào. Phấn khởi với thành công trên đầy đủ điều kiện cho phép biên soạn đáp ứng lòng mong đợi của họ Tộc từ xưa đến nay. Lần này vẫn có sự giúp đỡ đầy trách nhiệm của các con Kính và
Ngân trong đó Đức Kính cung cấp dữ liệu được ghi ở phụ lục 2-3-4-5-6.
Khi về quê nhà thông qua Hội đồng gia tộc và bổ sung một ít chi tiết mà hồ sơ còn thiếu nhằm chuẩn bị hoàn thiện in thành sách đến ngày Giỗ Tổ mồng 8, tháng giêng, năm Canh Dần (21/02/2010) trình ra bà con họ Tộc và chuyển đến đại diện các gia đình, đây là món quá vô cùng quý giá đầu năm mới mà linh
hồn Tổ tiên đã ghi nhận mốc son lịch sử.
Kết thúc bài viết này đúng vào dịp tháng 7 Âm lịch (Kỷ Sửu 2009) tháng diễn ra lễ hội “Vu Lan báo hiếu” Tổ tiên, ông bà cha mẹ, nhiều đời nhiều kiếp theo phong tục cổ truyền của Phật giáo Việt Nam (uống nước nhớ nguồn). Đây là nét đẹp của bản sắc văn hóa dân tộc luôn được phát huy.
II. TỔNG KẾT 5 NĂM THỜI KỲ PHÁT TRIỂN RẠNG RỠ 2010-2015 1. Xây dựng tủ sách: Phát huy truyền thống hiếu học và tiếp thu nhạy bén chủ trương của Đảng, Nhà nước, xã hội hóa học tập, học tập suốt đời.
Sau khi con cháu tự nguyện cúng tủ sách cho nhà thờ họ, thì tiếp nhận được tin vui có người làm từ thiện đi tặng sách khắp cả nước với tiêu đề khuyến học, khuyến tài đó là ông Nguyễn Quang Thạch, dòng họ liên lạc đúng địa chỉ đảm bảo lời hứa. Ngày 29/11/2009 tại nhà thờ họ Bùi Đăng, Hội đồng gia t ộc tổ chức lễ tiếp nhận 250 đầu sách, cùng đi với ông Thạch có ông Đoàn Tử Hoan Giám đốc nhà sách Đông Tây ở Hà Nội chở ô tô đến trao tặng. Lễ tiếp nhận có sự chứng kiến của bà con trong dòng họ và các vị khách mời cấp Thị, cấp Phường và đại diện của họ Đoàn, họ Kiều, họ Nguyễn, họ Lê ở Trung Lương, họ Bùi ở Ngọc Sơn Đức Thuận, họ Bùi ở Đậu Liêu.
Nhìn chung trên địa bàn thì văn hóa đọc hiện nay còn bị hạn chế nhưng tủ sách đã có trên 300 đầu sách các loại đa dạng phong phú tại nơi thờ tự gắn với văn hóa tâm linh là điều đáng trân trọng, khi mà trình độ dân trí được nâng lên thì việc học và đọc trong sách báo là nhu cầu thực tế khách quan.
2. Sáng lập quỹ khuyến học và kết nối tình thương Đây là sáng kiến mô hình mới mang tầm xã hội hóa, mà nó được mở rộng ra địa bàn phường, xã, do Bùi Đức Kính người con của dòng họ đi du học, hội thảo ở các nước trên thế giới về khoa học biến đổi khí hậu và an toàn thực phẩm, có điều kiện tiếp cận với tinh hoa văn hóa của thời đại được chọn lọc, vì thế mà đề ra mô hình thành lập quỹ gồm 5 tiêu chí:
1. Khuyến học trong dòng họ.
2. Khuyến học trong phường, xã.
3. Mừng thọ người có tuổi chẵn từ 70 tuổi trở lên.
4. Thăm viếng người trong dòng họ quá cố.
5. Thăm hỏi hộ nghèo trong địa bàn dân cư.
Mục đích của quỹ này là bước đầu đóng góp trong dòng họ khi đã gây được uy tín của việc thực hiện thì trở thành xã hội hóa, có sự tham gia của cộng đồng quốc tế, đó là các tổ chức phi Chính phủ, tổ chức chính trị, chính trị xã hội, các nhà hảo tâm gọi là mạnh thường quân, đây là tiếp nối dòng chảy nhằm phát huy bản chất tốt đẹp của dòng họ hiếu học, đạo đức, đoàn kết, thủy chung, sống vì mọi người mang tình thương đến với mọi nhà, đặc biệt là những hoàn cảnh khó khăn, góp phần nhỏ bé của dòng họ cùng đồng hành với quê hương, hội nhập và phát triển, để tạo khí thế ở bước đi ban đầu, do đó ngày 08 tháng Giêng năm 2011 người sáng lập đã cúng cho họ 20 triệu đồng vừa đúng vào dịp đón nhận bằng Di tích văn hóa cấp tỉnh, nhà thờ họ Bùi Đăng Đạt được thực hiện, cho đến nay qua 5 năm đã đạt 4 tiêu chí và quỹ này theo đề nghị của người sáng lập là mang tên dòng họ. Do đó hàng năm được duy trì, nhiều năm đã nhận được phần thưởng của các cấp và sự động viên của các đồng chí lãnh đạo Phường và bà con quê hương.
3. Đón nhận bằng Di tích xếp hạng cấp tỉnh nhà thờ họ Bùi Đăng Đây là ước mơ của mỗi thế hệ trong dòng họ vì thế nó mang nhiều ý nghĩa lịch sử đối với truyền thống tổ tiên, trong quá trình phấn đấu đã tạo được yếu tố cơ bản.
Năm 2010, Hội đồng gia tộc lập tờ trình được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp ghi nhận, từ đó ông Phan Khoa nguyên là cán bộ bảo tàng Hà Tĩnh Giám đốc Di tích nhà thờ Trần Phú chịu trách nhiệm chấp bút viết hồ sơ.
Ngày 06/01/2011 UBND Tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 49/QĐ-UBND về việc công nhận Di tích lịch sử văn hóa nhà thờ họ Bùi Đăng Đạt.
Ngày 06/3/2011 (02/02 Tân Mão) được sự quan tâm chỉ đạo của UBND Thị xã Hồng Lĩnh, UBND phường Trung Lương phối hợp với dòng họ tổ chức lễ trọng thể đón rước bằng tại hội trường UBND phường về nhà thợ họ Bùi Đăng, có bà con họ tộc cùng với Ban chấp hành Đảng ủy, UBND, các ban ngành, đoàn thể cấp phường, xóm, các dòng họ phường Trung Lương, các đơn vị bạn.
4. Xây dựng quy ước dòng họ: Quan diểm nhận thức khi dòng họ đã được phát triển thì cần có bản quy
ước ràng buộc vào khuôn khổ.
Qua một thời gian khá dài có sự dóng góp tích cực của ông Bùi Đức Kính cung cấp 9 bản quy ước của 9 dòng họ tiêu biểu trong nước, giúp Hội đồng gia tộc
tham khảo vận dụng cho phù hợp đặc điểm và hoàn cảnh của họ ta.
Quy ước là quy tắc xử sự của một dòng họ nhưng không được trái với
Pháp luật và các quy định của Nhà nước và địa phương.
Quy ước là cơ sở các nguyên tắc đã được dân chủ bàn bạc đi đến thống nhất, tạo điều kiện giúp tộc trưởng điều hành, các thành viên trong Hội đồng gia tộc thực hiện, không được thay đổi khi chưa có Nghị quyết của Hội đồng gia tộc. Sau khi hoàn thành biên soạn đã in ra nhiều quyển, ngày 01/6/2012 gửi đến các con cháu nội ngoại, lãnh đạo có liên quan ở Phường, ở Thị, Sở văn hóa Hà Tĩnh và lưu ở tủ sách. Tuy nhiên quy ước cũng phải bám sát khả năng tiến triển của dòng họ và công cuộc đổi mới của đất nước, quê hương mà vai trò điều hành của Hội đồng gia tộc sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp khi bổ sung tái bản (nếu xét thấy cần thiết)
5. Đúc chuông nhà thờ Thực hiện Nghị quyết của Họ tại Giỗ Tổ 08/01 Nhâm Thìn 2012, về việc đúc một quả chuông cho tương xứng, trong thời gian này tôi cũng muốn đừng lại vì có nhiều lý do, tuy nhiên đúng vào dịp Thầy Đại đức Thích Chánh Thành trụ trì chùa Thiên Tượng Quyết định đúc một quả đại hồng chung có trọng lượng 1500kg, chuẩn bị khánh thành nhà thờ tổ, biết tin dòng họ Bùi Đăng có Nghị quyết đúc chuông nhà thờ nên Thầy động viên cùng đúc để gắn với Di tích quốc gia, Di tích cấp tỉnh tại vị trí mặt bằng trước đền Nhà Ông. Trước đây Công ty đúc đồng Nam Thiên – Nam Định do ông Phan Trọng Điền làm Giám đốc đã đúc chuông chùa Long Đàm và tượng nhà sư Chuyết Công chùa Thiên Tượng, nay nhận đúc cả hai quả chuông này, ông Định trao đổi yêu cầu đúc khoảng 20 kg trở lên, nhưng thầy Thành và ông Điền bàn phải đúc từ 30 kg trở lên với giá tiền cứ mỗi kg là một triệu đồng, tôi trình bày hoàn cảnh của họ nhiều năm liên tục động viên sức đóng góp của con cháu nay động viên tiếp thì không đủ sức mà chỉ cố gắng khoảng 20 triệu đồng và tương xứng với 20 kg, nhưng ông Điền và thầy Thành bàn phải trên 30 kg, ông Điền chấp nhận 20 triệu đồng và cúng cho họ 10 triệu đồng để có một quả chuông tương xứng, về chuông chùa Thiên Tượng do ông Lê Ngọc Hoa làm Tổng Giám đốc Công ty xây dựng giao thông 4 cúng cả chuông và giá. Do đó ông Điền nhận đúc tại cơ sở Nam Thiên Nam Định.
Hội đồng gia tộc Quyết định động viên sức đóng góp của con cháu nội
ngoại vì lý do tiếng chuông đặt trang trọng nơi thờ tự nối nhịp cầu tín ngưỡng với không gian suốt chiều dài theo năm tháng, do đó phân bổ mỗi đinh 600.000đ để có khoảng 24 triệu đồng.
Tiếp nhận nguồn đóng góp của con cháu ngoại trên tinh thần tự nguyện, từ đó khí thế tham gia đầy trách nhiệm đối với tổ tiên. Đinh đóng góp nhanh chóng được thực hiện, có người ở xa lại 3 đinh Hội đồng gia tộc dự đoán hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhờ có bà mẹ già ở gần, khi nghe tin liền đưa số tiền đến nạp thứ 3 trong sổ, có người ngoài nghĩa vụ đã nạp đủ còn cúng thêm 2 triệu đồng.
Các con gái, con rể khi nhận được tin cũng xin đóng góp như 1 đinh, còn đại đa số tự nguyện đóng góp từ 300.000đ – 500.000đ, đặc biệt có cháu ngoại xin được dấu tên cũng góp vào 1.000.000đ
Những người ngoài họ như Công ty Nam Thiên, người làm giá chuông, thầy Đại đức Thích Chánh Thành, các đồng chí lãnh đạo phường, các tổ dân phố và bà con quê hương về dự chung vui cũng công đức. Vậy là quả chuông được mang sự mầu nhiệm về mối quan hệ tâm linh và đời thường một cách sâu nặng nghĩa tình, có sự chứng kiến của:
Về dự có các ông đại diện các dòng họ, bà con quê hương và các cháu nội, ngoại.
Lễ tiếp nhận và khai chuông được tiến hành đúng nghi thức phật giáo.
Đúng 8 giờ sáng ngày 04 tháng 12 năm 2013 (02/11 Quý Tỵ) thời tiết nắng dịu của mùa thu, họ Bùi Đăng và các đại biểu về dự sau khi Hội đồng gia tộc đọc lời khai mạc, quả chuông được đặt ngay dưới bảng sơ đồ tộc phả 18 đời, đối diện với bằng Di tích, càng tôn vinh ý nghĩa tâm linh và đời thường gắn với khoa lễ của phật giáo do thầy Đại đức Thích Chánh Thành điều hành, tiếp theo là lễ trao tặng kỷ niệm cho Công ty Nam Thiên có lời đáp từ và tiếp nhận của ông Phan Văn Đoàn – phó Giám đốc và lời chúc mừng của nhà sư, ý kiến phát biểu tâm huyết của ông Nguyễn Duy Đăng – chủ tịch UBND Phường và bài tổng kết của đại diện Hội đồng gia tộc mọi người ra về mang theo niềm tin và vui mừng với sự phát triển của dòng họ.
Hậu duệ đời thứ 18
Bùi Bá Định
Ý kiến bạn đọc