19:00 EST Thứ bảy, 04/01/2025
CHUNG TAY PHÒNG CHÓNG DỊCH BỆNH COVID-19, HÃY THỰC HIỆN TỐT 5K: KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH - KHÔNG TẬP TRUNG - KHAI BÁO Y TẾ

Danh mục

Liên kết Website

Thống kê

  • Đang truy cập: 15
  • Hôm nay: 602
  • Tháng hiện tại: 3335
  • Tổng lượt truy cập: 1923323

Những dòng họ võ tướng nổi tiếng Hà Tĩnh

Đăng lúc: Thứ ba - 21/11/2017 22:11 - Người đăng bài viết: admin2
Từ nhà nước Văn Lang đầu tiên đến nước CHXHCN Việt Nam ngày nay, dân tộc ta đã trải qua nhiều thời kỳ lịch sử đầy biến động. Trong rộng dài lịch sử đất nước đã xuất hiện những dòng họ văn võ, ra sức cứu dân giúp nước. Trong giai đoạn lịch sử thời Hậu Lê và Tây Sơn, tại Hà Tĩnh xuất hiện 2 cự tộc võ thần nổi tiếng là Võ Tá Hà Hoàng và Ngô Trảo Nha.
Họ Võ Tá ở làng Hà Hoàng (Thạch Hạ - TP Hà Tĩnh ngày nay) tính từ cụ khởi tổ Võ Kỹ đến nay lập nghiệp trên đất Thạch Hà đã 22 đời. Với 500 năm tồn tại, phát triển, họ Võ Tá Hà Hoàng đã để lại những dấu ấn đặc sắc trong lịch sử dân tộc giai đoạn thế kỷ 17, 18. Trong vòng 60 năm, triều Hậu Lê mở 19 khoa thi Tạo sỹ (tiến sỹ võ) thì họ Võ Tá Hà Hoàng có 15/122 người đậu. Ngoài ra, với những đóng góp to lớn trong việc giữ nước, 18 trong 36 võ tướng có sự nghiệp của dòng họ được vua phong là quận công. Với những danh tướng tài năng đó, họ Võ Tá Hà Hoàng được coi là “Thạch Hà thế tướng” (Nghệ An ký – Bùi Dương Lịch) lừng lẫy suốt 180 năm triều Hậu Lê.

Nói về dòng họ này, dân gian còn có câu: Thập ngũ tạo sĩ, thập bát quận công, cung kiếm gia thanh quang giám sách/ Đồng triều phụ tử, đồng khoa huynh đệ, thi thư thế nghiệp thọ sơn hà (Tạm dịch: Mười lăm tiến sĩ võ, mười tám quận công, nghiệp cung kiếm rạng sử sách/ Cha con cùng triều, anh em cùng khoa, văn chương sự nghiệp mãi với non sông).

Bùi Dương Lịch trong Nghệ An ký khi nhắc đến những võ quan có tên trong sử sách đã liệt kê tới 5 vị của dòng họ Võ Tá Hà Hoàng là: Võ Tá Liễn, Võ Tá Sắt, Võ Tá Quán, Võ Tá Đoan, Võ Tá Lý. Trong đó, Võ Tá Liễn là người đỗ Tạo sỹ đầu tiên, là vị tướng văn võ song toàn, đánh đâu thắng đó. Võ Tá Sắt là người mưu lược, nổi tiếng gan góc, chỉ huy tài giỏi, được vua giao làm tướng đánh thắng nhiều trận lớn… Những chiến công của các vị quan này đều rất hiển hách và có ý nghĩa lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Họ cũng trở thành những tấm gương tiêu biểu cho đời đời con cháu muôn sau về tinh thần yêu nước, về ý chí rèn luyện, chiến đấu với giặc thù, về ý thức gìn giữ đất nước…

Để tưởng nhớ công lao của các bậc tổ tiên, năm 1909, con cháu dòng họ Võ Tá Hà Hoàng đã xây miếu Quan Quận để thờ cúng Thái phó Khiêm quận công Võ Tá Liễn và các vị quận công. Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, miếu bị tàn phá nên con cháu làm thủ tục chuyển về thờ trong nhà thờ đại tôn của dòng họ. Thể theo nguyện vọng của con cháu và chính quyền địa phương, năm 2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cho phép thực hiện khôi phục miếu Quan Quận và năm 2012, UBND tỉnh cũng đã trao bằng chứng nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh cho nhà thờ và miếu Quan Quận. Công trình nhà thờ và miếu Quan Quận của họ Võ Tá Hà Hoàng là nơi ghi nhớ công lao của tiền nhân, đồng thời, nhắc nhở con cháu về ý thức gìn giữ Tổ quốc mà các vua Hùng cùng nhiều thế hệ đã dày công gây dựng.

Trong giai đoạn lịch sử dưới triều Lê và Tây Sơn, ở Hà Tĩnh, dân gian còn truyền khẩu câu “Trảo Nha chi Ngô, Thạch Hà chi Võ”, ấy là để chỉ 2 dòng họ võ tướng nổi tiếng ở 2 vùng đất. Họ Ngô ở Trảo Nha thuộc dòng Ngô Lợi (đời 21) là dòng dõi của Ngô Quyền. Sau đời Hùng vương thứ XVIII, đất nước chìm trong cảnh Bắc thuộc, cho đến năm 938, Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng đã quyết định việc dựng nền độc lập tự chủ thống nhất. Thế kỷ XV, một trong 6 người con “cư biệt quán” của Thanh Quốc công Ngô Khế là Ngô Lợi (tức Ngô Nước) đã an cư tại Thạch Trị (Thạch Hà), sau đó, chuyển ra Trảo Nha (thôn Phúc Sơn, thị trấn Nghèn, Can Lộc ngày nay) và khai sinh ra dòng họ Ngô trứ danh ở đây.

Như được di truyền từ Ngô vương dựng nước, các thế hệ con cháu họ Ngô ở Trảo Nha đều sớm tỏ lòng yêu nước và dùi mài võ công để sớm ra giúp nước. Chính vì vậy, họ Ngô ở Trảo Nha sớm nổi tiếng là cự tộc võ thần dưới thời Lê Trung Hưng. Từ đó cho tới thời kỳ Tây Sơn, họ Ngô có tới 18 quận công, 36 hầu tước, 4 người đỗ Tạo sỹ và nhiều người đỗ tam trường võ. Trong đó, nổi tiếng nhất là Ngô Phúc Vạn (1577-1652) - người văn võ toàn tài, thông hiểu binh thư trận pháp, thiên văn, địa lý, toán học. Ông là một trọng thần, một danh tướng của triều đình Lê - Trịnh, phía Bắc diệt Mạc bắt được Mạc Kính Cung, phía Nam chống Nguyễn giữ yên bờ cõi, bảo vệ chính đường, khẩn hoang ruộng đất, đưa lại lợi ích cho trăm họ trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của nước ta từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII.

Ông cũng là người đầu tiên mở con đường thiên lý từ Thượng Huề (Vượng Lộc - Can Lộc) đến phủ Kỳ Hoa (Kỳ Anh - Hà Tĩnh). Ngô Phúc Vạn làm quan đến chức Phó tướng Trung nhuệ Quân doanh, tước Thái Bảo, sắc phong là Tào Quận công, lúc về trí sĩ lập am Phúc Quy ở xã Thái Hà (xã Quang Lộc - Can Lộc ngày nay). Khi mất, ông được nhân dân lập đền thờ tại quê nhà. Đền thờ và mộ Tào Quận công được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1992.

Cùng với những dòng họ văn hóa nổi tiếng, các dòng họ võ tướng trứ danh của Hà Tĩnh đã đóng góp cho đất nước rất nhiều anh hùng hào kiệt. Trong thời kỳ nào, họ cũng ghi danh thật rạng rỡ vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tinh thần thượng võ ấy mãi mãi là bài học lịch sử quý báu cho con cháu noi theo.

PHONG LINH


Nguồn tin: baohatinh.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thư viện hình ảnh