Còn nhiều chuyện được ghi trong tộc phả, trong sử sách và được lưu truyền trong nhân dân. Con người gắn với những câu chuyện và địa danh đó, là danh nhân Bùi Cầm Hổ (1390 - 1483), quan Ngự sử ở ba triều vua đầu thời Lê Sơ (1428 - 1527). I. THÂN THẾ Bùi Cẩm Hổ là con trai thứ ba của cụ Bùi Tôn Đường, sinh cơ lập nghiệp tại chân núi Bạch Tị, xã Độ Liêu. Ông nội là quan Giám vận triều Trần, sống vào khoảng giữa thế kỷ XIV, quê ở xã Cổ Phí, huyện Kim Thành, phủ Kinh Môn (nay thuộc tỉnh Hải Dương); phụ trách vận chuyển quân lương phục vụ cuộc Nam chinh do vua Trần chỉ huy. Khi đoàn thuyền đến bến Lang Cảnh (bến đò Cài), cụ đã kết hôn với một phụ nữ người làng Kẻ Cài, xã Kiệt Thạch, huyện Thiên Lộc (Hà Tĩnh). Sau đó, cụ ở lại quê vợ và sinh tới 10 con trai, trong đó có Bùi Tôn Đường. Theo tư liệu của dòng họ, Bùi Cầm Hổ sinh ra có tướng mạo khác thường, mắt sáng, da đen. Khi Bạch Thái Bà trở dạ có nghe tiếng hổ gầm quanh nhà cùng một luồng hồng vận với mùi thơm lạ. Ông Tôn Đường sang nhà chùa gần đó thỉnh cầu nhà sư, được bảo là điềm lành “Thiên nhạc giáng Thần”, lấy làm mừng và nhân đó đặt tên con trai với nghĩa là: họ Bùi bắt được hổ. Cậu bé Hổ chóng lớn, sáng dạ, là một học trò văn hay, chữ tốt, nhanh nhẹn, thông minh, khẳng khái hơn người, càng lớn càng bộc lộ những nét tài hoa; tuy dáng vóc và dung nhan dữ tợn, nhưng lại có rất nhiều bạn hữu, Bùi Cầm Hổ được cha mẹ đặt kỳ vọng, cho ra Kinh thành Thăng Long theo học, với mong mỏi sẽ giành khoa bảng. Không phụ long cha mẹ, Cầm Hổ gắng công học tập. Với tính cách thân tình, chỉ một thời gian ngắn học ở Kinh thành, Cầm Hổ đã có nhiều người bạn thân thiết. Một lần, cùng các học trò nghe quan Tư ở Quốc Tử Giám giảng về Kinh Dịch, giảng nghĩa câu “Hàm, Hoằng, Quang, Đại, Phẩm vật ham hanh”, Nho sinh Bùi Cầm Hổ cho rằng chưa thoát nghĩa. Khi ra quán rượu ngồi bàn, nhiều người bảo: “Thày ta giảng thâm thúy đấy chứ!”, Bùi Cầm Hổ nói: “Thày giảng ở nơi hàng trăm học trò, tất không nói kỹ lưỡng được. Tôi nghe chỉ thấy dẫn lời của Chu Hy bàn về câu này thôi, mà không có chính kiến. Hàm là bao dung, Hoằng là rộng rãi. Quang là sáng láng. Đại là lớn lao. Bốn chữ ấy bàn về quẻ Khôn thì nghĩa bao hàm. Quẻ Khôn sánh với quẻ Càn, là chính thống của âm dương. Càn là Trời cũng là nghĩa ấy. Khôn là Đất cũng là để hòa hợp với Trời ấy. Cho nên Hàm, Hoằng, Quang, Đại tuy nói ở quẻ Khôn nhưng trong Khôn ấy là có Càn. Nhờ có Càn nên Khôn mới Hàm, Hoằng, Quang, Đại được. Vì quán xuyến được Càn nên Hàm, Hoằng, Quang, Đại đặt ở quẻ Khôn thì thấu đáo hơn, vì Đất dễ nhận ra hơn Trời, Đất gần mà Trời xa. Nhận được Hàm, Hoằng, Quang, Đại từ Đất cũng có nghĩa là nhận được từ Trời; nhận được từ quẻ Khôn cũng chính là nhận được ở quẻ Càn. Do thế, Hàm, Hoằng, Quang, Đại là đạo lớn của Trời Đất. Nhờ đạo lớn ấy mà phẩm vật mọi nhẽ mới hàm hanh, nghĩa là muôn vật mới tốt đẹp, thông suốt được”. Các học trò nghe mà giật mình sợ hãi về am hiểu của anh học trò xứ Nghệ. Một hôm, Bùi Cầm Hổ cùng các bạn đi qua Dinh quan Ngự sử, nghe xôn xao về vụ án “Vợ giết chồng” vừa mới xử xong. Dân tình nói rằng người vợ vì thương chồng mà mắc tội. Chị ta thấy chồng đi xa lâu ngày mới về, đã mua lươn nấu cháo cho chồng ăn, người chồng ăn xong thì lăn ra chết. Thế là chị ta mắc tội giết chồng. Có lẽ cảm nhận phỏng đoán được tình tiết của nỗi oan trái này, Bùi Cầm Hổ tranh luận cùng các bạn và nói: “Nếu các quan tòa cho ta xử lại vụ án này, ta sẽ xử được ngay”. Lời nói đó đến tai quan tòa. Các quan vẫn còn phân vân khi định tội, không muốn bắt chết oan một người vợ rất thương chồng, do đó khi thấy có người học trò dám xin thẩm định vụ án, các quan đã giao cho Bùi Cầm Hổ xem xét. Bùi Cầm Hổ bắt tay dựng lại hiện trường vụ án, trong 7 ngày đêm cho người đi các chợ mua gom tất cả lươn về, nấu một nồi cháo lươn cho một tử tù ăn, tử tù chết. Bằng hiểu biết từ thực tế, Bùi Cầm Hổ cho mọi người hay rằng có một loại rắn độc rất giống lươn, thường lẫn vào lươn mà khó phân biệt, cả người bán và người mua đều bị nhầm, kết quả là sẽ ra “cháo lươn” thì thành ra “cháo có rắn độc” mới gây nên chết người. Các quan chấp nhận xét xử của Bùi Cầm Hổ, giảm tội chết cho người vợ, tâu vua trọng thưởng. Nhân dân thì nức lòng khen anh học trò thông minh dũng lược. Bình Định vương Lê Lợi mới lên ngôi vua ban chiếu cầu hiền tài, thấy tấu trình về anh học trò dám cả gan xin xử lại vụ án giết người mà đã xử được, liền với Bùi Cầm Hổ vào triều trọng thưởng và ban cho chức Ngự sử. 2. CÔNG TRẠNG Như vậy, Bùi Cầm Hổ được làm quan mà không qua con đường thi cử. Ông đã mở đầu bước đường tiến thân bằng một sự việc hết sức ngẫu nhiên, nhưng lại thể hiện rấ rõ tài trí thông minh, suy xét thấu tình đại lý, sâu đậm tình người, có thể hiện bản chất của Ông sau này trở thành bản lĩnh trong thực thi trách nhiệm. Ông làm quan 30 năm dưới 3 triều vua đầu thời Hậu Lê (Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông), 2 lần đi sứ sang nhà Minh, có lần đi dẹp loạn ở biên giới và đi thị sát ở châu xa và hơn 2 năm rưỡi trấn thủ ở Lạng Sơn. Việc nào Ông cũng làm tròn bằng thực tài, bằng sự trung thực và ngay thẳng, một lòng phò vua, giúp trị nước, giữ nghiêm phép tắc. 1. Bùi Cầm Hổ làm quan Ngự sử dưới đời Vua Lê Thái Tổ, làm Ngự sử trung thừa đời Vua Lê Thái Tông, đến đời Vua Lê Nhân Tông lại kiêm thêm chức Đồng tri Tây đạo, rồi thăng Tham tri chính sự. Ông luôn bày tỏ chính kiến rõ ràng, xét xử sáng suốt công minh, có lòng nhân đạo, không xu nịnh, không sợ quyền thế, phê phán nạn chuyên quyền, can gián vua không nghe theo lời sàm tấu. Tính cương trực, ngay thẳng và sự thông minh tài trí của Ông gây được sự tin cậy ở nhà vua, là một vị quan có uy tín trong triều định. Những năm đầu triều Lê Sơ còn nhiều lộn xộn, các quan ngay gian lận lộn. Lê Thái Tổ mắc mưu gian thần, bắt xử tội nhiều quan thanh, tướng giỏi, như với Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi, Phạm Văn Xảo … Nhưng nhà vua vẫn tin theo lời phân định của quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ. Một lần, sau buổi thiết triều, Vua đã giữ Ông cùng Thái phó Lê Văn Linh để hỏi ý kiến. Bùi Cầm Hổ thẳng thắn tâu vua về sự chân thực ngay thẳng của Nguyễn Trãi khi cùng Trần Nguyên Hãn vào giúp Lê Lợi, nêu các lý lẽ biện minh rằng Nguyễn Trãi không có liên hệ gì với việc gọi là mưu phản. Lê Thái Tổ sau đó xuống chiếu tha cho Nguyễn Trãi, nhưng bị tước “Vinh lộc đại phu”, chỉ để chức Nhập nội Hành khiển, rồi sau lại bị đưa đi an trí ở Côn Sơn. Dưới thời Vua Lê Thái Tổ (1428 - 1433), Lê Sát là một đại thần có công lớn từ khi giúp Lê Lợi dấy nghiệp, nhưng do là võ quan ít học nên Lê Sát tỏ ra lộng quyền, xử trí oan sai nhiều vị quan; bao che cho người có mưu, xúc xiểm dẫn đến cái chết của hai tả tướng Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo. Sang thời Vua Lê Thái Tông (1434 - 1442), những năm đầu, khi Thái Tông còn nhỏ, Lê Sát lợi dụng uy quyền của một công thần, làm nhiều điều ngang trái, thao túng triều đình, nhiều vị quan có tài bị Lê Sát vu hại, giết hại, như Lưu Nhân Chú bị giết, Trịnh Khả, Bùi Ư Đài bị truất bãi, quan các quan trong triều đều sợ (1). Song Bùi Cầm Hổ với tính “cứng cỏi, bạo nói, không sợ quyền thế”, Bùi Cầm Hổ chỉ trích gay gắt sự chuyên quyền của Lê Sát, nên bị Sát trả thù, điều đi làm An phủ sứ Lạng Sơn. Đến khi Lê Thái Tông đã lớn, thấy được sự nguy hại của tính chuyên quyền, lộng quyền của Lê Sát, đã cùng các quan “chế ngự” Lê Sát, dẫn đến viên quan nắm quyền Tể tướng này bị bãi chức tước vào giữa năm Đinh Tỵ (năm 1437) và bị tội chết hơn một tháng sau đó. Chính Bùi Cầm Hổ cùng Lê Ngân đã đồng thanh tâu vua :” Tội của Sát đáng xử tử”, điều đó chứng tỏ Cầm Hổ rất cương quyết trong việc chống cường quyền, cường bạo. Tuy nhiên, Cầm Hổ vẫn thể hiện một tinh thần nhân văn cao thượng; không lấy oán trả oán, mặc dù trước đó, Cầm Hồ từng bị Lê Sát đẩy đi biên ải. Khẳng định Lê Sát đáng tội chế, nhưng, Cầm Hổ vẫn cho rằng Sát có công lao từ khi giúp Bình Định vương Lê Lợi dựng nghiệp. Ông tâu vua: “Tội của Sát đáng xử tử, nhưng đã là đại thần mà lại đem xác đi rao làm nhục, sự rằng để tiếng chê cười cho đời sau” . Vua Thái Tông nghe theo, cho Lê Sát được tự tử ở nhà . Vua khen Bùi Cầm Hổ là người trọng nghĩa, cương trực. Hành động cao cả này của ông được Phan Huy Chú đánh giá cao: “Bùi Cầm Hổ là người lấy thẳng để báo oán, như thế thật hiếm có trong thiên hạ” (1). Bùi Cầm Hổ nhiều lần thẳng thắn phân tích, can ngăn vua Lê Thái Tông, như khi định chọn bổ người không đúng, với trường hơp của Lê Quốc Khí, Trịnh Quang Bá, Lê Đỗ, Lương Đăng vốn có nhiều lầm lỗi, với Bùi Ư Đài có lời khuyên dễ gây hiềm khích; can gián và sau đó trở thành lệnh nhà vua cấm các quan không được đưa người nhà vào làm trong Dinh; khuyên nhà vua không nên thay đổi những quy chế của Thái Tổ đặt ra, không nghe người xin chuyển kho lương về Kinh mà giữ ở các trấn để tiện phòng bị; v.v... Lê Quý Đôn trong Đại Việt thông sử đã có những đoạn viết liên quan đến việc quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ tha gia vào can gián vua, xét định đúng tội một số chức quan, đặc biệt là khi vua xử tội Lê Sát. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí dành một trang viết về Bùi Cầm Hổ, nêu rõ “Ông cứng cỏi ngay thẳng, bạo nói, không sợ quyền thế”, kể tóm tắt những việc Bùi Cầm Hổ đã tâu vua khi xử tội Lê Sát, can ngăn vua không dùng người tuỳ tiện, về vụ cháo lươn, về xẻ núi dẫn nước tưới ruộng. Tài đức của Bùi Cầm Hổ ngày càng được triều thần mếm mộ, cũng có người muốn lợi dụng lời lẽ của Ông để chống nhau, nhưng Ông không bị mắc lừa. Các vua Lê thời Ông phụng sự ngày càng nhận rõ vai trò can gián đúng đắn của quan Ngự sử trung thừa Bùi Cầm Hổ, càng tin cậy Ông. Về sau này, vua Lê Thánh Tông hiểu rõ những oan sai của Nguyễn Trãi, của Bùi Cầm Hổ, đã ra sắc dụ giải oạn cho Ông cũng như giải oan cho Nguyễn Trãi và nhiều vị quan trung thần khác. Dân gian còn lưu truyền nhiều mẩu chuyện kể về sự xử trí sáng suốt của Bùi Cầm Hồ. Một lần, ngôi chùa trong Đại nội bị mất vật báu khánh bạc chuông đồng, các pháp quan tra khảo không ra, triều đình giao cho Bùi Cầm Hổ minh xét. Ông cho lập đàn chay, gọi là để Phật Bụt chỉ kẻ gian manh. Đàn định dựng 3 ngày 3 đêm, các sư sãi mỗi người cầm một dúm thóc trong tay đi quanh đàn, miệng đọc “Hữu gian giả, túc sinh nha” (nghĩa là người nào gian thì thóc trong tay sẽ nẩy mầm), quan Ngự sử ngồi trên cao giám đàn. Đàn tế chưa hết một buổi, đến gần trưa, Ngự sử giám đàn đã cho bắt kẻ nghi phạm là một bà vãi, và bà này đã thú tội. Một lần, giờ làm lễ ở Thái miếu đã định trước lúc nửa đêm. Bỗng nhiên trời nổi mưa to gió lớn, vua ngự giá đến mà trăm quan chưa mấy ai tới. Vua cho là việc lớn phải làm đúng giờ, không thể thay đổi, quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ phải tiến hành mọi việc của lễ nghi. Một thuộc viên bộ Lễ định chơi xỏ Ông, liền đốt hương trong chiếc lư không được lót tro ở dưới. Cầm Hổ phát hiện được, đã nhanh trí lấy khăn lót đỡ, rồi dâng đến trước vua và tâu rằng “Lư hương nóng xin lấy khăn đỡ”, và lui xuống vẻ mặt bình thản. Lúc đọc văn tế, bỗng dưng cây nến tắt, Cầm Hổ vẫn đọc trong tối mà không sai sót một chữ nào. Vua đã khen là người có tài. 2. Bùi Cầm Hổ cũng có nhiều công lao trong hoạt động ngoại giao, trong hai lần sang sứ nhà Minh và những năm trấn thủ ở Lạng Sơn. Năm Quý Sửu, 1433 Lê Thái Tổ sai Ông cùng Trình Thuấn Du và Nguyễn Khả Chi đi sứ sang nhà Minh với trọng trách giữ mối hòa hoãn dài lâu giữa hai nước, cho dân sự hưởng thái bình, nhà Lê được yên vị. Với tài ứng phó và vóc tướng uy nghiêm của Ông, vua nhà Minh phải tôn trọng đoàn sứ bộ của nước Nam, và cũng nể vì khi Ông khảng khái cự tuyệt lời mua chuộc của nhà Minh. Thời gian 2 năm 7 tháng làm An phủ sứ Lạng Sơn, Bùi Cầm Hổ đã góp phần quan trọng vào việc giữ hòa hiếu giữa hai nước, vùng biên giới được yên ổn. Năm Mậu Ngọ - 1438, sứ nhà Minh sang báo tin địa phương Thái Bình (thuộc tỉnh Quảng Tây ngày nay) nổi loạn, Bùi Cầm Hổ được vua Lê tin cậy cử cùng Lê Bá Kỳ sang sứ nhà Minh, Ông đã thẳng thắn tố cáo trước vua Minh về việc thổ quan châu Tư Lãng phủ Thái Bình đã vượt biên lấn chiếm đất Việt Nam. Rồi năm Kỷ Tỵ - 1449, có tin báo từ biên giới, hai ty Khâm sai và Tổng Liêu (Quảng Tây) đem binh mã cát cứ, kiểm soát bờ cõi biên giới. Bùi Cầm Hổ và Tư khấu Nguyễn Khắc Phục được cử đi thị sát làm rõ tin giả, giải quyết ổn định vùng biên. 3. Bùi Cầm Hổ còn có nhiều công lao với quê hương làng xóm. Khi 70 tuổi, Ông xin nghỉ việc triều đình, lui về xã Độ Liêu. Quê ông còn có tên Nôm là Kẻ Treo, hơi nắng một chút là đồng khô hạn, hơi mưa một chút là đồng ngập lụt, đất rộng mà dân vẫn nghèo. Trên Ngàn Hống thì bốn mùa cây cối tốt tươi. Khi mưa, nước trên Ngàn Hống cuồn cuộn chảy xuống đồng, chỉ một giờ mưa là cả vùng Kẻ Treo thành ao nước bạc. Hết mưa rồi thì đồng lại khô, thiếu nước để cày cấy. Ông thấy ngay nguyên nhân đói kém của dân trong vùng, là do thiếu nước làm ruộng, liền cất công đi tìm cách khơi nguồn nước cho dân. Ông chỉ đạo dân làng đắp một bờ đá chắn dòng Thác Bạc và đào một khe sâu dẫn nước theo dọc suốt cánh đồng. Nhờ đó trên một nghìn khoanh ruộng của cả một vùng rộng lớn đã có nước, đồng ruộng lúa khoai tươi tốt, và dân làng khai khẩn thêm được đất hoang. Đời sống nhân dân trong vùng ngày thêm no đủ, vui mừng vì được mùa liên tiếp. Kẻ Treo trở nên trù phú, dân làng dựng Nhà Trò cạnh khe nước, mở hội hát trò vui cả tổng. Bùi Cầm Hổ đã mở ra một công trình mang đến ấm no cho nhân dân cả vùng, thay đổi hẳn cuộc sống của bao nhiêu gia đình ở Độ Liêu và các vùng lân cận. Có lẽ đây là công trình thuỷ lợi đầu tiên ở đất Nghệ An – Hà Tĩnh, do đó giá trị và ý nghĩa về công lao của Ông Bùi Cầm Hổ lại càng to lớn. III. SUY TÔN Với những công lao phụng sự cả ba triều vua và đóng góp cho dân, Ông Bùi Cầm Hổ đã được nhiều vị vua nêu công, được sử sách ghi lại với những lời kính trọng, đặc biệt là được nhân dân bao đời ghi sâu công đức và truyền tụng các sự tích về Ông. - Năm Kỷ Hợi - 1479, Vua Lê Thánh Tông đã ban chiếu minh oan cho quan Nhập nội hành khiển Nguyễn Trãi và gián quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ. Khi làm lễ giải oan cho Ông, Vua ra sắc dụ: “Ngự sử công thực là đại thần trung liệt, đã đùm bọc và nuôi dưỡng Tiên đế ta từ thuở ấu thơ, nay được đèn trời soi tỏ, đức hạnh của Người sáng như sao Khuê, từ nay huynh vương được đặc ân mang họ Bùi để mãi mãi tỏ rõ lòng ân quốc, tính của Tiên đế đối với dòng dõi người oan khuất” (Huynh vương là anh của Lê Thái Tông, tên là Lê Khắc Xương, con trai thứ hai của vua Lê Thái Tông với bà Bùi Quý Phi - con gái của quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ). Các vị vua sau này, vào các niên hiệu Cảnh Hưng, Cảnh Thịnh, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Khải Định đều có đạo sắc phong ghi công lao của quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ. Sắc của vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng thứ 34 (năm 1773) gia phong Bùi Tướng công là “Bỉnh quân hồng trạch hoằng liệt phủ quốc hiển linh Thuỳ huống Đại vương”. - Nhà bác học Lê Quý Đôn viết “Bùi Cẩm Hồ bàn luật trung thực chính đáng, phong độ đẹp đẽ, không những giúp vua tiến lên con đường đạo đức, mà đến bọn công thần võ tướng cũng đều nể sợ không dám làm càn”. Nhà sử học Phan Huy Chú thì viết: “Bùi Cầm Hổ là một danh thần sáng giá của ba đời Hậu Lê”. - Nhân dân địa phương biết ơn Bùi Cầm Hổ. Khi Ông mất lúc 93 tuổi, nhân dân đã lập đền thờ Ông ở dưới chân núi Bạch Tị, gọi là đền quan Đô Đài. Triều đình phong Ông là Thượng đẳng phúc thần. Hàng năm cứ vào ngày 12 tháng Giêng, nhân dân Đậu Liêu và các vùng xung quanh, cùng với con cháu hậu duệ họ Bùi ở các miền về tế lễ ở Điện Đô Đài, làm lễ Báo Ân tưởng nhớ công ơn của quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ. Danh thơm của Ngài còn lưu mãi với hậu thế./. * * * Bài viết này với tấm lòng tri ân sâu sắc với một danh nhân tài cao đức trọng nhiều công đức với dân với nước. Xin chân thành cảm tạ các vị trong Ban liên lạc Bùi Việt Nam đã cung cấp những tư liệu quý để tham khảo viết bài. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, bản dịch, Nxb KHXH, Hà Nội, 2007, tập 1. 2. Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử. Nxb Văn hoá – Thông tin, Hà Nội 2007; các trang 237, 242, 244, 245, 246. 3. Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh (Chủ biên), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2005; Bùi Cầm Hổ (Thế kỷ XV). 4. Ngô Sĩ Liên và sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, Nxb. VHTT, Hà Nội, tập 2. 5. Nhiều tác giả, Từ điển văn hoá Việt Nam, Nhân vật chí. Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội 1993, Bùi Cầm Hổ (Thế kỷ 15). 6. Ngô Văn Phú, Truyện danh nhân Việt Nam, thời Trần - Lê, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2006; Lời nói thẳng, trang 189 – 196. 7. Nguyễn Khắc Thuần: Việt sử giai thoại, tập 5: 62 giai thoại thời Lê sơ. Nxb. Giáo dục, Hà Nội 2004. 8. Các tư liệu của họ Bùi: - Tìm hiểu danh nhân Bùi Cầm Hổ và dòng tộc họ Bùi, do ông Bùi Viết Trị soạn tháng 5 năm Ất Dậu - 2005. - Bùi Cầm Hổ bậc thánh hiền của lòng nhân ái, của ông Bùi Phan Kỳ. - Quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ làm thuỷ lợi, của ông Bui Đức Tuệ. - Bùi Cầm Hổ một nhân cách lỗi lạc, của BT. - Những thế hệ đầu tiên của họ Bùi ở Đậu Liêu, của ông Bùi Đức Tuệ. (1) Ngô Sĩ Liên và sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, Nxb. VHTT, Hà Nội, tập 2, tr. 165. (1) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, bản dịch, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1992, tập 1, sđd, tr. 236. |
Ý kiến bạn đọc