Từ nhà thờ tướng quân Bùi Cảnh Khánh đến văn hóa của một dòng họ

Nhà thờ tướng quân Bùi Cảnh Khánh

Nhà thờ tướng quân Bùi Cảnh Khánh

Một trong những giá trị văn hóa tinh thần tiêu biểu nhất của dòng họ người Việt là ý thức hướng về nguồn cội tổ tiên như nội dung câu ca thường được mở đầu trong các bản tộc phả: “Cây có gốc mới thắm cành xanh lá/ Nước có nguồn mới biển rộng, sông sâu”; “Nhân sinh do tiên tổ, uống nước nhớ nguồn”. Dòng họ Bùi Quốc ở thôn Đông Đoài, xã Đức La, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh là một trong những dòng họ như thế.
Nhà thời tướng quân Bùi Cảnh Khánh
Ảnh: Nhà thờ tướng quân Bùi Cảnh Khánh

Ven theo hữu ngạn sông La, chúng tôi đến thôn Đông Đoài, xã Đức La, huyện Đức Thọ. Những ngôi nhà khang trang vẫn còn giữ nguyên nét cổ kính của kiến trúc cổ điểm tô môt sức sống mới bên dòng sông La thơ mộng. Hiện hữu trước mắt chúng tôi là Di tích văn hóa cấp tỉnh Nhà thờ Tiến sĩ, Tướng quân Bùi Cảnh Khánh. Bên ngôi nhà thờ cổ kính, các cụ trong Hội đồng gia tộc họ Bùi niềm nở tiếp chúng tôi, tự hào giới thiệu về nhà thờ và sự hình thành, phát triển của dòng họ.

Đền thờ Bùi Cảnh Khánh xây dựng theo kiến trúc cổ trên khuôn viên rộng, gồm khu nhà thờ và lăng mộ với những mảng chạm khắc hoa văn cổ tinh xảo, trong nhà thờ vẫn lưu giữ được những hiện vật quý như: Sắc phong, bia đá, đại tự...từ thời Lê và Nguyễn. Theo các tư liệu còn lưu giữ tại dòng họ, Nhà thờ Bùi Quốc được xây dựng vào năm 1660 (Lê Triều Vĩnh Thọ nhị niên, Tuế thứ Canh Tý tạo tác miếu đường xuân thư phụng sự). Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhà thờ bị xuống cấp, đến năm Tân Mão 2011, được sự chung tay góp sức của con cháu họ Bùi hiện công tác ở trong và ngoài tỉnh, Hội đồng gia tộc thành lập ban kiến thiết, khởi công trùng tu, tôn tạo lại. Ngày 8/7 năm Nhâm Thìn 2012, dòng họ làm lễ cầu siêu, cầu yên rước các tiên linh, Tiên tổ vào nhà thờ một cách trang trọng.

Trong câu chuyện với chúng tôi, các thành viên trong Hội đồng gia tộc họ Bùi cho biết, Di tích Nhà thờ họ Bùi gắn liền với Tiến sĩ, Tướng quân Bùi Cảnh Khánh, một nhân vật lịch sử. Sự nghiệp của ông gắn liền với Bình Định vương Lê Lợi và các tướng lĩnh Lam Sơn đánh đuổi quân Minh giành lại độc lập cho dân tộc. Di tích nhà thờ và mộ của ông được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2006. Nhà thờ cũng là nơi thờ cúng, tưởng niệm các vị tiên tổ họ Bùi Quốc, xã Đức La, huyện Đức Thọ.

Cụ Bùi Văn Ninh - Chủ tịch Hội đồng gia tộc cho biết, dòng họ Bùi Quốc, Đức La được hình thành từ thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV, đến nay đã trở thành một dòng họ lớn, phát triển đến đời thứ 14, tổng cộng có khoảng trên 300 hộ, con cháu sinh sống và làm việc ở nhiều địa phương trong tỉnh, trong nước và cả nước ngoài.

Thủy tổ khảo là Bùi Cảnh Quang từ phương Bắc về Hương Sơn cư trú một thời gian sau dời về xã Thược Dược làm ăn và mất tại đó. Thủy tổ tỉ thất truyền sinh nam tử Bùi Cảnh Huy. Ông hiệu là Hùng Nghĩa Hầu, từ Thược Dược chuyển về cồn soi bãi nổi phía Nam thành Rum (Rú Thành, Nghệ An). Hùng Nghĩa Hầu được phong thành hoàng, lập đền thờ ở Tường Xá (xã Đức Châu). Ngài sinh nam tử Bùi Cảnh Khánh.
Bùi Cảnh Khánh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nho học. Học tài hiểu rộng, đậu Tiến sĩ Thời Lê, ông làm quan đến chức lại bộ Thượng thư dưới thời Bình Định Vương Lê Lợi, sau đó trấn thủ thành Lục Niên (Núi Thiên Nhẫn). Theo sử sách thì Núi Linh Cảm tên cũ là Tùng Lĩnh. Nơi đây là tiền đồn của Nghĩa quân Lam Sơn ở Thế kỷ XV. Trong một lần nghĩa quân Lam Sơn giao chiến với quân Minh, Bình Định Vương Lê Lợi bị giặc vây ráp, các tướng lĩnh của nghĩa quân bị thất lạc. Vâng lệnh của Vua, Tướng công Bùi Cảnh Khánh cầm quân tiến đánh giặc Minh do Tướng Trương Phụ trấn giữ trong thành Rum. Sau thất trận, cả người lẫn ngựa chết trong thành và chôn cất tại chỗ. Cũng có tư liệu cho rằng, sau khi đánh đuổi được quân giặc Minh xâm lược, Bùi Cảnh Khánh trấn giữ thành được một thời gian rồi mất.

Sau khi ông mất, triều đình phong kiến Nhà Lê liệt ông vào hàng ngũ các danh thần tiết nghĩa có công đánh giặc giữ nước và được phong là: Đặc tiến kim tử vinh lộc Đại phu.Vì có công với dân với nước, triều đình phong sắc thần cho ngài là Thành hoàng làng để phụng sự:

Một vị tướng văn võ song toàn
Phất cờ hồng dẹp giặc giữ non song

Đến thế kỷ thứ XVIII, gia phả và sắc phong của vua Lê để tại nhà ông Bùi Xuân Thản bị hỏa hoạn cháy mất. Đến khi Vua Khải Định lên ngôi xét công trạng của Ngài đối với dân nên phong sắc tiếp. Nội dung sắc:

Hà Tĩnh tịnh – La Sơn huyện – Làng Ngụ xã
Tam giáp đồng phụng sự
Lê Triều Thượng thư văn ngạn tử
Vinh lộc Đại phu – Bản cảnh thành hoàng
Bùi tướng công chi thần
Nhận trước linh ứng – Tứ kim phỉ thừa
Cảnh mệnh tổng niệm – Thần hưu tước phong vị
Dực bảo trung hưng linh phù chi thần
Chuẩn kỳ phụng sự
Độ kỷ thần kỳ tướng hựu bảo ngã Lê dân
(Khải Định thập niên thất nguyệt nhị thập lục nhật 26/7/1925)


Ảnh: Kiệu rước tướng quân Bùi Cảnh Khánh còn lưu giữ tại đền thờ

Qua sắc phong người được hưởng ân từ các triều đại trước và sau rất linh ứng. Bùi Cảnh Khánh sau này có các con là Bùi Cảnh Tranh, Bùi Cảnh Long, Bùi Cảnh Lân. Hiện nay 3 vị này đứng đầu 3 chi họ có nhà thờ riêng ở Đức Thọ. Sau này, con cháu họ Bùi rời Tường Xá về phía sông La để tạo điền thổ sinh cơ lập nghiệp cùng con cháu Lê Bôi và con cháu Nguyễn Doãn Tạo. Ngày 18/1/2006, Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận Nhà thờ Bùi Cảnh Khánh là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.Với sự kiện này, nhà thờ Bùi Quốc tiếp tục được tôn vinh và gìn giữ, phát huy giá trị to lớn trong giáo dục truyền thống, niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước cho nhân dân trong xã nói chung và con cháu dòng họ Bùi nói riêng.

Đến văn hóa dòng họ hôm nay
Dòng họ Bùi Quốc là một dòng họ có truyền thống hiếu học. Cụ Bùi Văn Ninh, Chủ tịch Hội đồng gia tộc cho biết, dòng họ hiện có 3 tiến sĩ, nhiều thạc sĩ và hơn 100 con, cháu trong dòng họ có trình độ đại học. Có nhiều con cháu hoạt động trong lực lượng vũ trang nhân dân được cấp hàm Tướng, Tá. Dù công tác ở nơi nào, những người con của dòng họ luôn hướng về cội nguồn. Để phát huy truyền thống hiếu học của gia tộc, Hội đồng gia tộc đã lập quỹ khuyến học, khuyến tài, hàng năm vào dịp đầu năm học mới đều tổ chức tuyên dương, phát thưởng động viên các cháu học sinh giỏi và thi đỗ đại học, cao đẳng. 

Cụ Bùi Văn Ninh cho biết, có năm có trên 80% các cháu trong dòng họ đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến được khen thưởng. Đây là niềm tự hào của dòng họ và cũng đặt ra nhiệm vụ cho các thành viên trong Hội đồng gia tộc càng phải làm tốt hơn công tác khuyến học, khuyến tài, kịp thời động viên, khuyến khích các cháu vươn lên trong học tập. 

Một điều đáng ghi nhận của dòng họ Bùi Quốc, là trong dòng họ không có con cháu mắc tệ nạn xã hội, hơn 90% số hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hóa. Các gia đình trong dòng họ đều tích cực đóng góp xây dựng quê hương, đã đóng góp hàng tỷ đồng xây dựng đường giao thông, cổng làng, nhà văn hóa thôn.

Tìm hiểu về Di tích Đền thờ Tiến sĩ, Tướng quân Bùi Cảnh Khánh, nghe câu chuyện kể của các thành viên Hội đồng gia tộc họ Bùi, chúng tôi càng hiểu thêm về truyền thống tốt đẹp của một dòng họ giàu truyền thống yêu nước, cách mạng. Nhà thờ trải qua nhiều thế hệ đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của dòng họ, nơi giáo dục con cháu luôn ghi nhớ cội nguồn, giữ gìn nền nếp, gia phong. Từ nơi này, dù có đi đâu, về đâu, những người con trong dòng họ vẫn nhớ về  quê hương, nhớ về lời ru ầu ơ của bà, của mẹ. 

Tháng bảy này, những người con của dòng họ Bùi Quốc, thôn Đông Đoài tụ hội kỷ niệm 10 năm đón Bằng công nhận Di tích nhà thờ Bùi Cảnh Khánh là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Cùng với các di tích lịch sử, văn hóa khác của xã Đức La, Nhà thờ Bùi Cảnh Khánh đã và sẽ góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nét đẹp tâm linh trong lòng mỗi người con đất Việt.
Ảnh: Lăng mộ Tiến sĩ Bùi Cảnh Khánh

Ảnh: Lăng mộ Tiến sĩ Bùi Cảnh Khánh

Bùi Đình Quang - Phó Giám đốc Công an Hà Tĩnh