HỌ BÙI VIỆT NAM

HỌ BÙI VIỆT NAM
Bùi (chữ Hán: 裴) là một tên họ phổ biến thứ 9 trong hơn 200 dòng họ ở Việt Nam
  
 
Qua điều tra điển hình, trong hơn 200 dòng họ Việt Nam thì Họ Bùi được xếp hàng thứ 7 về dân số. Việc tìm về cội nguồn Thủy tổ như mò kim đáy biển, chỉ có vài dòng họ đã xác định rõ được Thủy tổ (như họ Hồ, họ Trần, họ Vũ, họ Võ v.v…). Riêng họ Bùi , trước đây chỉ phát hiện được có từ gần 2300 năm trước, trong một bài vị của vua Lê Đại Hành (ở thế kỷ thứ 10) có ghi rằng: “vào năm 257 trước Công nguyên, nhà Thục xâm chiếm nước ta, có 4 dòng họ gồm: Ngô tộc, Bùi tộc, Lê tộc, Trần tộc được vua Hùng (Duệ Vương) triệu tập 4 vị Đại Thần cùng 5000 binh mã đã đánh thắng trận đầu, giặc bị tiêu diệt máu chảy thành sông vang dội núi sông.”
Gần đây, khi hoạt động của dòng họ phát triển mạnh và rộng khắp cả nước thì lượng thông tin tư liệu về dòng họ ngày càng nhiều. Các nhà Sử học đã phát hiện thêm rất nhiều các tư liệu quí, cho phép chúng ta khẳng sự có mặt của họ Bùi trong lịch sử việt nam từ thời Hùng Vương Thứ 6 - qua phát hiện nguồn gốc của vị anh hùng Thánh Gióng: có mẹ là Quốc mẫu Bùi Thị Dung, ông ngoại là Bùi Cẩn (Cách nay khoảng 3760 năm). Trong suốt chiều dài lịch sử hào hùng của con Lạc cháu Hồng sau đó, dòng tộc chúng ta còn có nhiều đóng góp đáng kể:
+ Thời Hùng Vương thứ 18 có THƯỢNG TÁN LANG MỸ QUẬN CÔNG BÙI ĐÌNH CHẤN. Hiện còn mộ và miếu thờ tại Bất Nạo, Kim Thành, Hải Dương. Tư liệu được lưu trữ tại địa phương và lưu trữ tai thư viện TTKHXH; BÙI CÔNG TÀI - Bản thổ thần quan.
+ Thời Thục và nước Âu Lạc có tướng Quân Bùi Văn Thốn được mệnh danh “Con Gấu Phương Nam”
+ Thời Hai Bà Trưng có 2 danh tướng Bùi Thạch Đa và Bùi Thạch Đê mà lăng mộ các Ngài vẫn trường tồn suốt gần 2.000 năm nay trên vùng đất Tổ Hùng Vương Phú Thọ với lễ hội truyền thống hàng năm được duy trì của bá tánh tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông.
+ Triều Đinh Tiên Hoàng (từ năm 968-979) có Khai Quốc Công Thần Trinh Quốc công Bùi Quang Dũng tiếng trung liệt cao vời vợi - không thờ hai vua (với triều Lê Đại Hành) nên được Lý Thái Tổ tôn hiệu Minh Triết Phu Tử.
+ Thời vua Lê Lợi (đầu thế kỷ 15) có 2 vị Khai Quốc Công Thần là Hương Thượng Hầu Thái Phó Trang Quốc Công Bùi Quốc Hưng và Ngự sử Bùi Cầm Hổ. Ngoài ra còn có Bùi Bị, Bùi Ban là con và cháu nội của Hương Thượng Hầu Thái Phó Trang Quốc Công Bùi Quốc Hưng.
Đại thần Bùi Cầm Hổ (sinh năm 1390 - mất năm 1483) là Ngự sử cao nhất triều, giữ nghiêm phép nước, uốn nắn chính sự ngay thẳng - ích nước lợi nhà. Ông là Thái sư dạy học cho con trưởng của Lê Lợi là vua Lê Thái Tông. Con gái Ngài là Bùi Quý Phi, vợ của vua Lê Thái Tông, sinh ra Cung Vương Lê Khắc Xương. Ngài là viên quan trung nghĩa suốt 3 đời vua, tính từ thời vua Lê Lợi.
Bùi Ngọc Oánh (1394-1475) vị tướng tình báo của nghĩa quân Lê Lợi. Khi Lê Lợi khởi nghĩa, ông đem 20 thân tín khỏe mạnh theo Nguyễn Chích hưởng ứng khởi nghĩa. Lê Lợi thấy Ngọc Oánh là người có học vấn sâu rộng, khỏe mạnh khác thường, bèn cất nhắc làm chức Chủ bạ trong quân. Phàm các việc xảy ra hàng ngày dưới ngọn bút ông đều tuân theo mệnh trên ghi chép cả. Năm Ất Hợi (1419) ông làm chức Tiên phong, trong việc đánh đồn Nga Lạc, bắt sống được tướng giặc Minh tên là Nguyễn Sao. Tháng 10 năm Tân Sửu (1421) ông được Lê Lợi chọn làm Chinh Tây phó tướng chống quân Ai Lao, đêm ngày tiến gấp đánh úp. Mặc dù quân giặc đông tới ba vạn song vẫn bị bại trận nặng nề, bởi thế chúng không giám giúp quân Minh đánh cướp nước ta nữa. Tháng 9 năm 1424 Ngọc Oánh cùng Nguyễn Chích vây bức thành Trà Long. Trong trận này ông cũng làm tướng tiên phong một đạo quân, được trên biết rõ, ban thưởng cho 50 lạng vàng để giúp đỡ gia đình. Năm Ất Tị (1425) theo lệnh trên, ông đem theo 20 người thân tín đi sâu vào đất phương Bắc thăm dò tin tức giặc. Tháng 5, ông giả làm nhà buôn trên bốn chiếc thuyền khởi hành từ Diễn Châu ra biển, lợi dụng gió nồm đi gấp. Tháng 6 thì vào vùng biển Quỳnh Châu bán các thứ thứ thuốc nam. Ông cử phó đội trưởng Hoàng Duy Thành dựng một quán rượu tại ngã ba đường để làm nơi thường xuyên ăn ở rồi cắt cử 5 người ở đó, 5 người đi lấy tin, 8 người đi về trên đường chuyển tin. Tám người này lại chia ra 4 nhóm, đặt ra 4 trạm trên đường kế tiếp nhau không lúc nào đình hoãn. Một lần Ngọc Oánh đi tới đất Quế Lâm thì bị giặc phát hiện truy đuổi. Ông được một người con gái ở Lưu gia trang tên là Lâm Lâm Oanh khuyên giả làm người làm ruộng để tránh. Sau ông lấy Lâm Lâm Oanh làm vợ lẽ và sinh được hai con trai là Bùi Ngọc Trinh và Bùi Ngọc Cát. Ông còn được bố vợ là Lâm Tuyền Thủy, em vợ là Lâm Sơn Khê và Lâm Hoa Thảo giúp thu thập tin tức giặc. Tháng Giêng năm Mậu Thân (1428) ông được Lê Lợi triệu về bản quốc. Hiện ở làng Thọ Tung (xã Nam Hùng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) còn ngôi đền thờ Bùi Ngọc Oánh và Trần Hưng Đạo được xây dựng từ thời Lê và chùa Thọ Tung thờ thiền sư Bùi Huệ Tộ. Cụm di tích đền chùa Thọ Tung đã được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 52/2001/QĐ-BVHTT ngày 28 tháng 12 năm 2001.
+ Đầu thế kỷ 16 có danh tướng văn võ song toàn Bùi Tá Hán (sinh năm 1496 - mất năm 1568). Ngài là một cận thần của Đại thần Nguyễn Kim (cha của Chúa Nguyễn Hoàng) có công khôi phục triều Lê Trang Tông (năm 1533). Sau 12 năm thu phục được cả vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình - Trị - Thiên ngày nay, để có tiềm lực lương thực hậu cần cho đạo quân nhà Lê thống nhất sơn hà phía bắc, Ngài lãnh chức Đốc quân Đô đốc trấn thủ Quận Quảng Nam biên viễn của Tổ quốc Đại Việt. Từ hồi Văn Lang còn có tên gọi khác là quận Nhật Nam (Địa giới lúc bấy giờ là từ Đà Nẵng đến Đại Lãnh - Phú Yên ngày nay). Nơi đây là vùng đất bị lấn chiếm từ thế kỷ thứ 2 mà vua Lê Thánh Tông đã thu hồi được từ năm 1471. Ngài Bùi Tá Hán đã góp công rất lớn vào thuở ban đầu “bình trị yên ổn” và sự nghiệp mở cõi đất phương Nam (từ thế kỷ 16). Xuất thân từ dòng dõi Nho giáo Đại nhân - Đại nghĩa nên ngài không dùng biện pháp trấn áp, tiêu diệt như những vị tướng khác, mà có chính sách hoà hợp dân tộc Việt Chăm, dân tình được thái bình lâu dài. Sinh thời Ngài được dân chúng tôn quý khắc tượng gỗ. Khi qua đời, Ngài được bá tánh tôn thờ như một vị Thánh Gióng thứ 2. Cho đến nay, người Việt và người Chăm ở nhiều nơi trên đất Nam lập đền thờ phụng Ngài. Riêng ở Sài Gòn cũng là đất của quận Quảng Nam xưa, có tới hai đình thờ Ngài là Đình Nam Chơn (quận 1) và Đình Bà Điểm (Hóc Môn). Ngài có công phát triển và canh tân kinh tế - văn hoá mà sau đó đã ảnh hưởng và lan toả đến cả toàn miền Nam. Như cấy lúa nước thay cho tỉa hạt của người Chăm, cày bừa bằng hai ách trâu bò phù hợp với vùng đất rộng người thưa. Ngài đưa mỗi bờ xe nước 1 - 2 guồng của người Việt vào, cải tiến lên đến 9 - 10 guồng cao rộng lớn. (Sau năm 1975 ở dọc phía Tây của các tỉnh vùng Nam Trung Bộ vẫn còn thấy những dãy bờ xe nước này). Cùng với việc khuyến khích nữ giới mặc quần 2 ống như nam giới, tiện lợi cho điều kiện canh tác và sinh hoạt. Ngài đưa thầy đồ người Việt vào dạy văn hoá, mở mang trí tuệ. Ngài đưa thầy thuốc vào, đã tiệt tận nọc các ổ dịch kiết lỵ, thương hàn, dịch tả của vùng đất Quảng mà ngàn năm trước là nơi chưởng khí, rừng thiêng nước độc”, mà Tổ tiên ta cũng đành phải thả lỏng cho Chiêm Thành “chiếm đi - chiếm lại”. Ngay cả lịch sử Bắc thuộc ngàn năm, cứ mỗi lần giặc Nam Hán nhà Đường, nhà Tống, nhà Minh thôn tính được nước ta, nhưng chúng vẫn phải bỏ hoang phế, chỉ đóng quân từ sông Giang (Quảng Bình) trở ra. Công trạng Khai sơn Phá thạch của ngài Bùi Tá Hán trên đây đã thu hút làn sóng di cư lần thứ nhất từ các tỉnh phía Bắc vào nhiều, nên bắt đầu từ giữa thế kỷ 16 vùng đất biên viễn phương Nam này mới thực sự giành được độc lập. Hôm nay chúng ta đang hạnh phúc được sống tại mảnh đất thiêng liêng hình chữ S thống nhất từ Bắc vào Nam với dải Trường sơn hùng vĩ và hơn 3000 km bờ biển, không thể không mang ơn những đoàn quân con Lạc, cháu Hồng đi mở cõi từ thuở ban đầu và trải qua nhiều thế kỷ, trong đó có những người con là Dòng tộc họ Bùi !
+ Giữa thế kỷ 18 (cuối triều Lê) có Danh tướng Bùi Thế Đạt đánh Nam dẹp Bắc, lần lượt trấn thủ: Thái Nguyên, Sơn Tây, Sơn Nam, Thanh Hoá, Hoan Châu 9 tức Nghệ Tĩnh), Thuận Hoá (tức Bình Trị Thiên ngày nay), rồi được thăng đến Nam Thuỳ Đại tướng quân, trông coi cả vùng biển Đông Bắc Trung bộ rộng lớn. Điều đặc biệt hơn nhiều vị tướng tài khác cùng thời mà sử sách còn ghi lại: Ngài luôn qua khỏi được làn tên bay - đạn lạc (hình như Ngài luôn có được Hồng phúc của Tổ tiên che chở). Khi về già được Vua ban thưởng 130 mẫu ruộng, Ngài chia hết cho dân. Công đức to lớn của Ngài bá tánh tôn thờ cho đến ngày nay tại Đền Quan lớn Bùng (ở bắc Châu Hoan), với những cặp tượng Quan Công, Quan Văn, ngựa đá, voi đá (nặng hàng tấn). Di tích lịch sử văn hoá này - có một không hai vẫn trường tồn nguyên vẹn theo thời gian biến thiên của lịch sử dân tộc. Nhất là Đền thờ của Ngài lại nằm bên cầu Bùng, quốc lộ 1, là nơi chiến tuyến dày đặc bom đạn Mỹ thời chiến tranh phá hoại vừa qua.
+ 30 năm cuối thế kỷ 18 (từ 1772 – 1802) dấu son rực rỡ của Nghĩa quân Tây Sơn đã lập nên triều đại Quang Trung, chúng ta cũng rất đỗi tự hào vê một nữ tướng tài là Anh thư Bùi Thị Xuân lừng lẫy một thời!
+ Còn biết bao anh tài họ Bùi khác dưới triều Nguyễn đã tham gia các cuộc khởi nghĩa chống Thực dân Pháp, v.v … + Cuộc CM mùa Thu tháng Tám chói lọi tên vàng (1945), đã lập nên kỷ nguyên mới: Một nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ra đời, thì vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội thời kỳ đầu (9/11/1946 đến 13/4/1954) – tức cương vị chức Chủ tịch Quốc hội là cụ Bùi Bằng Đoàn; Bùi Kỷ – trưởng ban bình dân học vụ toàn quốc
+ Cùng với mọi Dòng Tộc khác đóng góp lớn lao cho công cuộc xây dựng đất nước hiện nay, cũng như cho 2 cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại vừa qua, là có trí tuệ, có mồ hôi, nước mắt, có cả biết bao xương máu của con cháu họ Bùi Việt Nam.
Trong truyền thống 4000 năm Văn hiến rạng rỡ “Con Lạc cháu Hồng” cũng có phần đóng góp đáng kể của các thế hệ họ Bùi :
+ Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, mở khoa thi đầu tiên (năm 1075) lấy bốn vị Tiến sĩ thì có một vị họ Bùi . Từ đó đến cuối triều Nguyễn, trải qua 10 thế kỷ về khoa bảng, họ Bùi có 76 vị Tiến sĩ Nho học, 5 vị Tạo sĩ (Tiến sĩ võ học) , trong đó có 5 vị là Bảng Nhãn (tức Học hàm kế sau Trạng Nguyên), 22 vị Hoàng Giáp. Đặc biệt có một vị đỗ đầu khoa thi Thiên hạ sĩ nhân 1185 dưới triều Lý cao Tông là Bùi Quốc Khái .
+ Trong hơn 60 năm ở thời đại Việt Nam mới này thì số Tiến sĩ – Giáo sư họ Bùi có đến hàng trăm vị (trong số hàng nghìn Tiến sĩ – Giáo sư cả nước). Có nhiều vị là Chánh, Phó Hiệu trưởng các Trường Đại học, Trung học, hoặc là Chánh phó các Viện Khoa học. Riêng ở phía Nam có đến 23 vị giữ cương vị này. Nhiều vị được tin yêu giao phó trọng trách trong các cơ quan quản lý Nhà nước. Riêng hàm Bộ, Thứ trưởng đương chức có hơn chục vị, hàm Chánh, Phó Chủ Tịch Tỉnh và Bí thư Tỉnh uỷ các khoá có hơn 50 vị (ở 63 tỉnh, thành phố). Số tướng lĩnh và hàm đại tá Cách mạng đến nay có hàng trăm vị, mà cố Thượng tướng Bùi Thiện Ngộ là người đứng đầu.
+ Năm 1998, UNESCO của Liên Hiệp Quốc đã tổ chức ngày giỗ lần thứ 180 của Danh nhân Văn hoá Bùi Huy Bích tại Quốc Tử Giám, Hà Nội, cụ là hậu duệ của Viễn tổ Bùi Xương Trạch. Đây là dòng họ khoa bảng nhiều đời tại phường Thịnh Liệt, Hà Nội.
+ Năm 2009, UBND tỉnh Hà Nam đã quyết định đặt tên cho một đường phố tại trung tâm thành phố Phủ Lý- tỉnh Hà Nam là Bùi Dị ( ở đây cơ quan đề xuất có sự sai sót vì tên thật của ông là Bùi Văn Dị) nhân dịp tổ chức ngày giỗ lần thứ 115 năm của ông.
+ Năm 2010, UBND tỉnh Phú thọ đã ra quyết định công nhận di tích lịch sử văn hóa khu ” Rừng Cấm Giếng Mỏ” thuộc xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, ghi nhận đóng góp công lao to lớn của Công chúa Thiều Hoa và nhị vị Tướng Công Bùi Thạch Đa, Bùi Thạch Đê cùng các nghĩa sĩ dưới cờ nghĩa của Hai bà Trưng đánh giặc để bảo vệ đất nước.
Như Vậy từ thuở vua Hùng dựng nước, cho đến thời đại Hồ Chí Minh, nước ta trải qua hơn 4.000 năm lịch sử với những thăng trầm của hơn 20 triều đại vua chúa. Trong suốt chiều dài của lịch sử, họ Bùi Việt Nam đã cùng các dòng họ khác đóng góp xứng đáng vào công cuộc dựng nước, bảo vệ và phát triển đất nước. Cách mạng tháng 8/45 thành công, chấm dứt thời kỳ phong kiến tập quyền lâu dài, lịch sử nước ta lật sang trang mới - hình thành một nhà nước Việt Nam - Độc lập - Dân chủ.
 

Ảnh: Bùi Mai Thiện

Tác giả bài viết: Bùi Hồng Lĩnh - Sưu tập

Nguồn tin: TRUNG TÂM UNESCO NGHIÊN CỨU VĂN HÓA CÁC DÒNG HỌ VIỆT NAM