Bùi Dương Lịch: Cuộc đời thăng trầm

Bùi Dương Lịch: Cuộc đời thăng trầm

Đỗ Đăng Huỳnh

Nhắc đến người Đức Thọ (Hà Tĩnh) xưa không thể không nhắc đến Bùi Dương Lịch

(1757 – 1828). Ông không những là vị quan trung liêm mà còn là nhà giáo, nhà

thơ, nhà địa lý, nhà sử học với những tập sách: Bùi gia huấn hài (Sách dạy trẻ của

nhà họ Bùi); Ốc lậu thoại thi văn (Câu chuyện ở nơi nhà dột) Lê quý dật sử (Dật

sử cuối đời Lê; Yên Hội thôn chí (Địa chí thôn Yên Hội); Nghệ An phong thổ ký

(ghi chép về phong thổ Nghệ An - Bùi Dương Lịch chủ biên); Nghệ An chí: (Chép

sơ lược địa chí Nghệ An); Nghệ An ký (Ghi chép về xứ Nghệ An; Thơ Bùi Dương

Lịch... mà giá trị còn nguyên đến hôm nay.

“Lưỡng nguyên từ”, thờ nhà văn hoá Bùi Dương Lịch, di tích lịch sử-văn hoá quốc gia (thôn Hội Đông)

Đánh giá về Bùi Dương Lịch, đương thời khó biết ông là người thế nào, nên thời ấy, có bài

tán chê bai ông:

 

“Lê triều cử tiến sĩ

Tây ngụy sĩ hàn lâm.

Bản triều vi đốc học,

Từ hải cộng tri âm”.

 

(Nghĩa là: Triều Lê đỗ tiến sĩ, thời ngụy Tây Sơn làm quan hàn lâm, đến triều ta (nhà

Nguyễn) làm đốc học, bốn biển đều biết tiếng ông). Đây là bài mai mỉa sâu cay về Bùi

Dương Lịch. Trong khi đó, thơ ông lại có những câu tự thán:

 

Kỷ độ giang hà thành biến cải,

Phong ba bất một thử kiên kinh.

                              (Phu phụ thạch)

 

(Ý nói, cho dù sông nước có đổi thay nhưng tấm lòng kiên trinh kiên định ấy không bao giờ

bị nhơ bẩn, một lòng luôn hướng về nhà Lê trung hưng).

 

Khi ông mất, Phương Đình Nguyễn Văn Siêu khắc bia, có bài minh:

 

Tùng Lĩnh Mai hồ                                  

Công sinh vân hà

Đình thổ long diên

Hung loạn giao sưu

Nguyện hoặc dư vi

Giản cai thị tuần

Thanh đương trọc lưu

Tích thực tuy vi

Dư quang chiếu lân

 

Địa linh nhân kiệt

Phùng thử kỉ hoàng

Dã đề quyên huyết

Trực phương khí chiết

Thủ an ngã chuyết

Cúc li khả xuyết

Cam toàn khổ tiết

Thìn nhi phát Việt

Đăng hương bất tuyệt.

 

Dịch:

 

Tùng lĩnh Mai Hồ

Ông sinh thế nào?

Sân nở dãi rồng

Loạn lạc đòi phen

Nguyện không sai trá

Thềm lan tạm dự

Thanh bạch ô vẩn

Tích thiện vẻ vang

Chiếu rọi xóm làng

 

Đất thiêng người giỏi

Gặp thời nhương nhiễu

Quyên kêu chảy máu

Giữ nguyên khí tiết

Giữ yên thân mình

Hái cúc bên rào

Cam giữ khổ tiết

Tháng năm phấn phát

Đèn hương không dứt.

 

Bùi Dương Lịch 裴楊瓑 tự Tồn Thành 存成, hiệu Thạch Phủ 石甫 và Tồn Trai 存齋, sinh năm

Đinh Sửu 1757, đời Cảnh Hưng thứ 18, quê thôn Yên Hội, xã Yên Đồng, tổng Việt Yên,

huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, tỉnh Nghệ An (nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà

Tĩnh). Cha ông, Bùi Quốc Toại, đỗ Hương cống, từng góp sức xây dựng phủ Thiệu Thiên

(Thanh Hóa) với chức Tri Phủ. Bùi Dương Lịch đề cao Nho học hơn cả, nên trong các trước

tác của ông, khó có Đạo nào phảng phất ngoài Đạo Khổng.

 

Bằng sự thông mình, chăm chỉ, chẳng mấy chốc Bùi Dương Lịch nổi tiếng khắp vùng về sự

hiểu biết và văn tài. Năm Giáp Ngọ 1774, đời Cảnh Hưng thứ 35, Bùi Dương Lịch đỗ Hương

cống, khi đó mới 17 tuổi. Sau ông ra Thăng Long dạy học. Năm 1780,  đời Cảnh Hưng thứ

41, ông được bổ Huấn đạo phủ Lý Nhân ở Sơn Nam[1]. Chưa kịp nhận chức thì nghe tin cha

mất, ông từ chối, vội về quê chịu tang. Năm Bính Ngọ 1786, ông được phong Nội hàn viện

cung phụng sứ ngoại lang. Một công việc đòi hỏi kiến thức uyên bác và khả năng sư phạm

cao, đó là việc giảng sách cho vua.

 

Với tài năng, sức hiểu biết cũng như khả năng truyền đạt của mình, Bùi Dương Lịch được

vua quan tin yêu. Hơn nữa, tính tình ông ôn hòa, không tư lợi nên càng được vua trọng

dụng. Để thỏa chí tang bồng, ông tiếp tục thi Hội, đỗ Hội nguyên. Vào năm Lê Chiêu Thống

thứ nhất, ông đỗ Đình nguyên nhị giáp tiến sĩ, tức Hoàng giáp. Lúc này, anh em nhà Tây

Sơn tiến quân ra Bắc đánh Nguyễn Hữu Chỉnh. Cơn phong ba này đã làm Lê Chiêu Thống

khốn đốn, phải sang cầu viện nhà Thanh. Bùi Dương Lịch không quản ngại đường sá xa xôi

theo chân Chiêu Thống,  nhưng đi được mấy dặm thì bị quân Tây Sơn chặn. Ông trở lại

Thăng Long.

 

Năm 1789, Bùi Dương Lịch đưa mẹ về quê ngoại Đồng Môn, Thạch Hà, Nghệ An ở ẩn, vừa

viết sách vừa dạy học, tránh xa chính trường Tây Sơn đang hình thành sau đại phá quân

Thanh. Ông đã nhất quyết rời bỏ thị phi để có cuộc sống thanh sạch, không muốn dính liếu

gì đến các triều đại khác ngoài triều Lê trung hưng từng gắn bó.

 

Sau đại thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ lên ngôi vua lấy niên hiệu Quang Trung. Giống như

các triều đại mới lên khác, vua Quang Trung, điều đầu tiên cần làm là củng cố triều đại, bình

an muôn dân. Trước chính sách vì dân tộc đó, Bùi Dương Lịch không khỏi áy náy. Một mặt vì

đất nước, mặt khác, ông cũng khá tôn kính tài năng, đức độ và vẻ uy nghiêm của vua

Quang Trung nên đã đồng ý vào triều góp sức xây dựng đất nước. Ông được vua Quang

Trung giao việc dịch sách ở viện Sùng Chính cùng với La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723 –

1804).

 

Công việc đang xuôi chèo mát mái thì vua Quang Trung băng hà, triều chính Tây Sơn rối

ren, viện Sùng Chính đóng cửa, ông trở về quê. Khi vua Gia Long lên ngôi, ông lại bị triệu

hồi ra làm quan, không thể chối từ trước lệnh vua, ông phải nhận chức Đốc học Nghệ An.

Nhưng khoảng thời gian ông phục vụ cho vua Gia Long không được lâu (1805 – 1808) thì

cáo quan về ở ẩn, tập trung cho việc truyền bá tri thức đến cuối đời. Năm 1828, Bùi Dương

Lịch mất tại quê nhà, thọ 71 tuổi, thờ tại nhà thờ xã Tùng Ảnh.

 

Đã hơn 200 năm ngày mất Bùi Dương Lịch, giờ đây, hậu thế đã có cái nhìn rộng, thấu hiểu

về người xưa hơn mới thấy Bùi Dương Lịch là vị quan hết mình cho triều Lê trung hưng. Ông

đã làm những gì có thể để giữ cái tôi trung ấy đến cuối đời. Và hơn hết, Bùi Dương Lịch

không chỉ là vị quan ba triều mà còn là văn tài xuất sắc thời bấy giờ.

_____________________

Tài liệu tham khảo:

1. GS. Nguyễn Huệ Chi, sách ở mục tham khảo, tr. 161-162.

2. Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ 19 đến Cách mạng

Tháng Tám (tập 1). Nxb Khoa học xã hội, 1973, tr. 163.

3. http://hobuivietnam.com.vn/index.php?nv=News&at=article&sid=165

4. http://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%B9i_D%C6%B0%C6%A1ng_L%E1%BB%8Bch

5. http://www.baodanang.vn/channel/6060/201303/bui-duong- lich-lam- quan-3- trieu-

2227021/

6. http://www.thivien.net/viewauthor.php?ID=2422

7. Ốc lậu thoại (Câu chuyện ở nơi nhà dột) của Bùi Dương Lịch

8. Bùi gia huấn hài (Sách dạy trẻ của nhà họ Bùi) của Bùi Dương Lịch

9. http://nguyendu.vn/nd.nsf/tin-hoat- dong-chi-

tiet/nha_nghe_tinh_hoc__bui_duong_lich.html

10. http://www.baohatinh.vn/m/nguoi-que- ta-dat- que-ta/bui- duong-lich- 1757-

1828/47584

11. Phạm Văn Thấm, "Lời giới thiệu" sách Lê quý dật sử. Nxb Khoa học xã hội, 1987.

12. Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nxb Khoa học

xã hội, 1992.

______________

[1] Tức Trấn Sơn Nam (xứ Sơn Nam) có từ thời nhà Lê sơ, bao gồm các tỉnh Hà Nam, Ninh

Bình, Nam Định, Thái Bình và 5 huyện phía Nam Hà Nội ngày nay.