Nhà thơ Bùi Quang Thanh: Tự ru mình giữa bộn bề đa đoan
- Thứ bảy - 05/06/2021 23:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Bùi Quang Thanh thơ” được ông chia thành 5 phần. Phần I “Đò dọc – Sông đêm” – trích trường ca cùng tên, có 8 khúc; Phần II “Lời hương khói” có 23 bài; Phần III “Thơ viết những năm đánh Mỹ”, 1971 – 1975 có 10 bài; Phần IV “Một cánh xuân” có 160 bài; Phần V “Thơ viết cho thiếu nhi” có 34 bài.
Dẫu tập thơ chưa gọi là “tuyển”, nhưng cầm tập thơ với những bài thơ có thời gian sáng tác ngót 50 năm, đây có thể coi như là phần sáng tác cơ bản của nhà thơ Bùi Quang Thanh đã được chọn trong 7 tập thơ anh đã xuất bản từ năm 1994 đến nay.
Gấp lại tập thơ “Bùi Quang Thanh thơ”, trước hết là mệt. Mệt vì theo bước chân tác giả được “lên rừng, xuống biển”, với đa dạng đề tài từ lịch sử đến hiện tại, từ đất nước đến làng quê, từ mẹ tới em, tới cháu.
Bùi Quang Thanh sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh nên thơ anh viết về quê hương chiếm đến 22% dung lương bài là đương nhiên, anh là người nặng lòng với quê. Bùi Quang Thanh từng tham gia quân đội, có mặt trên chiến trường miền Nam những ngày “đỏ lửa” nên dễ hiểu anh có Phần III, “Thơ viết những năm đánh Mỹ”, và cũng vì vậy những nỗi nhớ, nỗi đau thương về đồng đội, những câu hỏi thời hậu chiến vẫn xuyên suốt tập thơ khi anh dang rộng “Một cánh xuân” Thơ tung tẩy dọc ngang trời đất; cả những trang dành cho thiếu nhi vẫn vảng vất hình bóng của Quê , của Mẹ, của đồng đội cùng trang lứa yêu thương. V.G.Belinsky nhà phê bình văn học Nga hàng đầu của phong trào Âu hóa thể kỷ 19 có nói: “Thơ trước hết là cuộc đời sau đó mới là nghệ thuật”. Đọc “Bùi Quang Thanh thơ” thấy rõ “cuộc đời”.
“Mẹ chọn năm sinh tôi/ Năm thế kỷ hai mươi bi tách thành hai nửa”, “Chiếc võng lác đầm đìa hương cỏ mật/ Đẫm nắng mặt trời/ Đẫm gió – sương – trăng”, (mục 8, Đò dọc – Sông đêm, trang 32). Nhà thơ Bùi Quang Thanh đã “khai” năm sinh và hoàn cảnh lúc ông có mặt trên cõi đời này. Đó là những năm tháng thân phụ anh có mặt cùng đoàn quân ra trận tham gia Chiến dịch Biên giới Thu đông năm 1950. “Cha cùng Đại đoàn hành quân lên ải Bắc/Mẹ chẳng địu tôi lên vọng đá đợi chờ/ Vặt lúa lẩy đòng, vồng khoai chưa kịp ủ/ Dưới Thiên Cầm tàu chiến giặc mò vô”…
Những ai quan tâm đến lịch sử của dân tộc hẳn không quên tấm ảnh lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát trận đánh mở màn của bộ đội ởmặt trận Đông Khê. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang bước ngoặt mới. Đó là thời “hạt gạo cũng theo người ra hỏa tuyến” như câu thơ của anh. Có lẽ vì sinh ra trong những năm tháng ấy, lớn lên thành chiến sĩ Giải phóng tiếp tục cuộc trường chinh nên dễ hiểu trong thơ Bùi Quang Thanh đầy tính thời sự và thế sự. Đây cũng là đề tài “áp đảo” trong “Bùi Quang Thanh Thơ”.
Những năm tháng vượt rừng, lội suối, gian khổ trên chiến trường như “Thơ viết những năm đánh Mỹ 1971 – 1975” của Bùi Quang Thanh là tiếng hát reo vui, lạc quan:
…Cài hoa lên nòng súng
Ta bước tiếp chặng đường
Hương xuân bay bát ngát
Giữa núi rừng Trường Sơn
(Cành hoa bưởi – Trích nhật ký hành quân)
Hoặc có những lúc gian khổ tận cùng:
Chân chùng. Gối run. Giốc trơn
Dép tuột quai ngang đầu gối
Tay vin, tay tỳ cong gậy
Đá chuồi vách núi âm âm…
(Đêm sông Mây)
Bài thơ “Cành hoa bưởi” nhà thơ Bùi Quang Thanh viết vào xuân Nhâm Tý năm 1972 khi anh đang hành quân vào mặt trận Tây Nguyên. Đây là thời điểm, bộ đội ta thực hiện nhiều cuộc tấn công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam, trong đó có chiến dịch 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị, chiến dịch giải phóng Bắc Kon Tum… Tuy vậy thơ Bùi Quang Thanh giai đoạn này, không thấy những bài thơ nóng hổi đạn bom, khét mùi thuốc súng… tuy nhiên, thơ anh vẫn hừng hực không khí ra trận, quan trọng hơn, niềm tin của người lính về ngày chiến thắng. “Lửa sáng đường xe ra phía trước/ Đất hóa chiến công – biển hồng sóng nhạc/ Giải phóng miền Nam”, (Ca khúc tháng 5). Đọc những câu thơ này, người đọc hình dung ra những mũi tiến công chiến lược đang tiến vào Sài Gòn, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam. Bùi Quang Thanh cứ ghi chép cảm xúc trên đường ra trận mà thành thơ. Đúng như nhà thơ Nga Raxun Gamzatôp đã nói: “Thơ sinh ra từ tình yêu và lòng căm thù, từ nụ cười trong sáng hay giọt nước mắt đắng cay”.
Sau này, đề tài “hậu chiến” vẫn ám ảnh trong thơ Bùi Quang Thanh. Đất nước đã hòa bình, nhưng với những người lính đã đi qua chiến tranh họ không quên đồng đội, những người đã ngã xuống trên chiến trường.
Bao năm bóng xế trăng chùng
Bao năm đơn lẻ bạn dùng đất nâu
Rễ cây thay tóc trên đầu
Bạn đau mối đốt, mình rầu cỏ ăn
(Lời ru đồng đội)
Có lịch sử mới có hiện tại, có hôm qua mới có hôm nay. Giọt máu đào của những người ngã xuống làm cho đất nước nở hoa. Thơ Bùi Quang Thanh cũng như thơ của những nhà thơ lính trận khác cho đến hôm nay vẫn cất tiếng nói xa xót, trắc ẩn và mang đến những thông điệp về trách nhiệm, đạo lý. “Tay già run rẩy bờ nôi/ Nỗi đau lòng mẹ sau thời chiến tranh”, (Nỗi đau lòng mẹ). Mẹ ở đây, có thể là người mẹ có đứa con sau chiến tranh không về, có thể là “mẹ Tổ quốc” lắm chứ?
Tôi gọi nhà thơ Bùi Quang Thanh là nhà thơ của “kết nối” giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong người thơ anh có một dòng chảy, mạch vỉa liên tục. “Tôi nợ con sông quê khi vùi tấm thân lấm láp giữa dòng trong vắt, sông gột rửa tôi bằng giọt lòng, gạn những gì tôi bỏ lại, lắng đọng đôi bờ thành dịu ngọt phù sa”, (Lay thức, mục 8, trích trường ca Đò dọc – Sông đêm).
Đây là một trường ca đậm chất sử thi, được “dựng” lên từ huyền thoại, trí tưởng tượng phong phú và tình yêu quê hương đến cháy lòng:
Đò dọc – sông đêm
Chòng chành thuyền xuôi nhịp sóng
Đỏng đảnh mảnh trăng đầu tháng
Sóng ngà mảnh bạc lăn tăn
…
Chập chờn ruộng lúa bờ khoai
Sông Cày gợi về quê kiểng
Tóc em gợn mùa bưởi chin
Mắt huyền lúng liếng sông đêm…
Tác giả xuống “đò dọc” không phải trên dòng Lam chung giữa Nghệ An – Hà Tĩnh hay dòng La của Hà Tĩnh quê anh mà trên “sông đêm”. “Đò dọc” chỉ có trong thi ca, còn trong đời sống chỉ có đò ngang, từ bờ này sang bờ kia. Đò dọc sẽ đi đến bao giờ? Chắc chắn sẽ đi mãi cùng dòng sông! Ở đây lại là con sông của huyền sử, chính vì thế nên nó mới là “sông đêm”, nhiều vấn đề của trời đất, thiên tạo, con vật xoay vần còn mãi mãi câu hỏi. Nhà thơ cất công đi “đò dọc” mong tìm ra câu trả lời.
Trong trường ca này, dẫu trích nhưng núi Hồng hiện lên trên trang thơ vâm vấp. Trong “không gian” Hồng Lĩnh còn chứa bao huyền thoại.
Núi Hồng như có châu sa
Lam Giang lắng dòng quên chảy
Chim Phượng đầu đàn lộng lẫy
Đảo mình ngó khắp bốn phương
Hồng Lĩnh thời huyền sử, gắn với mối quan hệ giữa Kinh Dương Vương với thời đại Hùng Vương và vấn đề “nhà nước” Việt Thường; Hồng Lĩnh 99 ngọn, tương truyền đã có 100 con Phượng Hoàng về đây, tương truyền ông Đùng đã rẽ mây xuống dạy cho trăm dân làm nghề lúa nước…Hồng Lĩnh gắn liền với truyền ngôn về công chúa Diệu Thiện, con gái vua Sở Trang Vương (Trung Quốc) trốn sang làm việc thiện. Khi nàng viên tịch, Phật Tổ đã cho nàng hóa thành Phật Bà Quan Âm trăm tay ngàn mắt. Sau này, khi đã khỏi bệnh, Vua Sở Trang Vương tìm về nơi con gái đã tu hành, cho xây dựng một ngôi chùa để tưởng nhớ cô công chúa út hiếu thảo. Ngày nay, dấu tích nền ngôi chùa Trang Vương vẫn còn: “Trang Vương nền cũ tùng treo nguyệt/ Thánh Mẫu am xưa đá ngậm mây” (Thơ Trần Công Soạn).
Quê hương ấy, huyền sử ấy hình thành nên cốt cách con người vùng đất ấy. Nhà thơ Bùi Quang Thanh thốt lên: “Chẳng phải tự nhiên mà hạt lúa cũng hai đầu biết nhọn. Rằng: dòng Lam trong xanh bởi đầu nguồn Ngàn Sâu, Ngàn Phố xanh trong. Cám ơn nàng đã nhắc ta lẽ sống: Cội nguồn”, (Đò dọc – Sông đêm, Lay thức).
Vâng, cội nguồn là “dòng sông” lớn luôn chảy trong tâm thức nhà thơ Bùi Quang Thanh nên anh trăn trở không chỉ với ngày mai, hôm nay mà cả những ngày đã qua. Chính vì thế, Bùi Quang Thanh làm thơ về Phù Đổng Thiên Vương, về vua Mai Hắc Đế, Nguyễn Trãi…..; về đồng đội, về những cô gái thanh niên xung phong trên những tuyến đường thời chống Mỹ… cho đến những em bé chưa đầy “tuổi tôi”.
Trong “Bùi Quang Thanh thơ” có nhiều bài thơ thế sự. Dường như cuộc đời làm báo tạo nên trong Bùi Quang Thanh những câu hỏi. Từ câu hỏi lớn của dân tộc đến câu hỏi của thân phận con người, câu hỏi cho chính mình.
Nguyễn Phi Khanh bị đày qua ải Bắc
Nguyễn Trãi sau này mới biết cậy sức dân
(Sao không chạy vào lòng dân)
…
Bên biển xanh chẳng soi nổi bóng mình
Trước gương trong không gọi về tuổi trẻ
Bạc đầu rồi vẫn còn nhơ dại thế
Cũng mình thôi mà chắc đã là mình
(Tự khúc)
Đối với mỗi dân tộc, mỗi con người, điều đáng lo nhất chính là “cũng mình thôi mà chưa chắc là mình”. “Tôi nhặt lên niềm vui của ai đó đã bỏ quên trên đường phố thả vào chiếc cốc cuộc đời. Niềm vui lặn xuống đáy còn nỗi buồn tràn ra ngoài miệng cốc. Niềm vui vay mượn không hề sủi bọt trong chính đời tôi. Nỗi buồn của ai cứ quấn lấy tôi như máu thịt”, (Song hành). Bùi Quang Thanh luôn suy tư và ưu tư như vậy. Chính điều đó tạo nên những mỹ cảm mang tính triết lý trong thơ ông. Cũng vì yêu đến xa xót con người, quê hương, đất nước nên Bùi Quang Thanh không ngại “va chạm” khi có những bài thơ như: “Với tướng giặc Liễu Thăng”, “Thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo Trung cộng”, “Đêm không ngủ nghe nghìn xưa giục giã”…luôn nóng hổi tính thời sự, thời cuộc về biển đảo, chủ quyền quốc gia, nhưng vốn nhạy cảm, ít người dám đụng đến. Thậm chí, rất khó viết. Những bài thơ này, đặc biệt “Đêm không ngủ nghe nghìn xưa giục giã” là tráng ca về lòng tự hào dân tộc.
Bùi Quang Thanh là một “lãng tử”. Sau khi rời quân ngũ, anh trở thành một phóng viên cho đến ngày nghỉ hưu. Cuộc đời làm báo nên anh rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc. Đến đâu anh cũng có những cảm xúc thơ. “Đêm Mộc Châu”, “Ngày mai Phia Đen”, “Qua Tuyên Quang nhớ Trần Nhật Duật”, “Xứ Lạng”, “Đêm sông Trà”, “Trai Nghi Xuân ở Nam Yết”…. à những thi phẩm, ra đời trong quá trình thâm nhập thực tế, tác nghiệp báo chí của anh. Cuộc sống, thân phận luôn bề bộn, góc cạnh trong thơ Bùi Quang Thanh. Về điều này, tôi nhớ nhà thơ Lê Tuấn Lộc từng đưa ra quan niệm: “Thơ không phản ánh cuộc sống thì nói cái gì?”. Đây cũng là quan điểm thi ca. Thơ đâu chỉ là những thi phẩm của những người ưa suy tưởng? Puskin, một “tượng đài” thi ca Nga và nhân loại từng nói: “Cuộc sống là cánh đồng màu mỡ để cho thơ bén rễ sinh sôi”. Nhà thơ Chế Lan Viên thì viết: “Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết vàng mà đời rơi vãi/ Hãy nhặt lấy chữ của đời mà góp nên trang”. Bùi Quang Thanh là người chăm chỉ nhặt “hạt vàng” rơi vãi trong hành trình thi ca của mình. Đây cũng là điều tạo nên “bút pháp” Bùi Quang Thanh, thơ anh gần gũi với cuộc sống, dễ tạo ra xung chấn và đồng điệu cho người yêu thơ.
Cả “gia tài” thơ nói chung và “Bùi Quang Thanh thơ” nói riêng đa dạng đề tài, anh viết từ cọng rau muống nơi quê nhà đến những vấn đề đại sự của quốc gia, dân tộc. Trái tim đa tình, đa cảm của “lãng tử” Bùi Quang Thanh còn dành nhiều thời gian cho thiếu nhi. Anh khá thành công trong việc sử dụng chất liệu đồng dao khi sáng tác cho thiếu nhi. Và dù sáng tác cho thiếu nhi thì thơ thiếu nhi của anh cũng lấp lánh những thông điệp, điều cần nói. “…Giữa vũ trụ bao la/ giát toàn vàng và bạc/ phải chòm sao sáng nhất/ làm bằng sắt? Ngựa ơi!”, (Nhớ ông Gióng).
Mẹ vẫn ngồi tựa cửa
Tre ngà cứ đâm măng
Nước mắt mẹ từng sọc
Trên thân tre óng vàng
(Nhớ ông Gióng)
…
Dáng bản đồ Tổ quốc
Giống bà em ra đồng
…
Dáng bản đồ Tổ quốc
Như dáng bà yêu thương
(Dáng bà)
Với những câu thơ này, tôi cho rằng Bùi Quang Thanh đã làm tốt hơn cả những nhà sư phạm trong những bài giảng về tình yêu Tổ quốc và giáo dục công dân, không chỉ lớp mầm, lớp lá mà chiều cấp học sinh khác. Thơ ông viết cho thiếu nhi đầy tính nhạc, chất liệu đồng dao, chất liệu ví giặm; có thể cất lên thành tiếng hát. “Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa”, (Xuân Diệu).
Đọc “Bùi Quang Thanh thơ” cũng như các tác phẩm trước đây của anh, thấy “3 trong 1” như “Ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu từng nói lúc sinh thời. Khi cầm tập thơ đồ sộ trên tay, tôi hỏi nhà thơ Bùi Quang Thanh: “Có phải tuyển không?”, anh trả lời: “Chưa làm tuyển”. Anh vẫn tiếp tục “Đò dọc sông đêm”, vậy thì vội gì làm tuyển?
NGÔ ĐỨC HÀNH