Mô hình đào tạo VNEN: Không thể “nửa nạc, nửa mỡ”!

Mô hình đào tạo VNEN:  Không thể “nửa nạc, nửa mỡ”!
Việc 3 tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Tĩnh, Hà Giang dừng mô hình đào tạo Trường học mới (VNEN) đã gây ra một cuộc tranh luận quyết liệt. Hiện có 2.365 trường tiểu học của 54 tỉnh, thành phố đang áp dụng VNEN. Vậy VNEN là gì? Ưu việt ra sao để triển khai, và nhược điểm thế nào để gây ra “phản ứng”? Câu chuyện VNEN sẽ đi đến đâu nếu vẫn tiếp tục áp dụng theo kiểu “nửa nạc nửa mỡ” như hiện nay?
Nhiều ý kiến trái chiều

Trường học mới (gọi tắt VNEN) là mô hình nhà trường hướng tới việc đáp ứng các yêu cầu của đổi mới phương pháp dạy học. Theo đó, HS được học theo tốc độ phù hợp với trình độ nhận thức của cá nhân, phát huy tinh thần dân chủ, ý thức tập thể, học tập theo nhóm (thông qua hội đồng tự quản). Điểm ưu việt của VNEN là HS chủ yếu tự học dựa trên bộ tài liệu, SGK riêng trong đó hướng dẫn cách tự học.

Như vậy, khác hoàn toàn với cách học truyền thống GV giảng giải kiến thức có sẵn, nêu câu hỏi vấn đáp cho các em trả lời từ đó rút ra bài học cần thiết, cách học theo VNEN là HS tự học, tự thảo luận nhóm rồi cùng trao đổi. Quá trình này, nếu gặp khó khăn, học sinh liên lạc với giáo viên và sẽ nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Sự khác biệt ở đây là thông qua sự hướng dẫn của GV, HS có thể tự phát hiện, tự tìm ra kiến thức và tự hình thành kỹ năng, thái độ thích hợp. Vai trò chủ thể tích cực của học sinh được phát huy cao độ, các em không còn thụ động nghe GV giảng bài.

ANH 1
Sau 5 năm triển khai mô hình đào tạo VNEN đang gặp nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí nhiều địa phương tuyên bố dừng triển khai đại trà.

Tại Việt Nam, dự án bắt đầu thực hiện chính thức năm học 2012 – 2013, đối tượng hưởng thụ gồm 1.447 trường tiểu học khắp 63 tỉnh, thành. Đến năm học 2015 – 2016, có thêm 2.365 trường tiểu học của 54 tỉnh tự nguyện tham gia áp dụng. Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc dự án, nhiều tỉnh đã lập tức “phản ứng”bằng việc không nhân rộng mô hình này (như ở Vũng Tàu, Hà Tĩnh, Hà Giang). Một số địa phương khác chọn phương án “án binh” để tiếp tục tổng kết, đánh giá những mặt ưu và nhược của mô hình. Lý do chính được đưa ra là thay vì phát huy khả năng tự học của HS thì nhiều nơi diễn ra tình trạng HS chỉ ngồi nói chuyện, không học nên không nắm được bài. Chương trình học, theo nhiều GV phản ánh là cắt xén, chắp vá dựa trên SGK hiện hành, không đảm bảo chất lượng. Nhiều trường có số HS quá tải nên không đảm bảo điều kiện tối thiểu của mô hình là mỗi lớp không quá 30 HS.

Sau 5 năm triển khai, rõ ràng VNEN đang gặp nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí nhiều địa phương sau khi tuyên bố dừng triển khai đại trà, không ít GV đã “thở phào” nhẹ nhõm. Trên nhiều diễn đàn GV tiểu học, nhiều ý kiến cho rằng những ưu việt của mô hình này đang bị biến tướng bởi thực hiện theo kiểu “nửa nạc nửa mỡ”. Một GV tại diễn đàn của GV tiểu học với 65.000 thành viên thẳng thắn chỉ ra một số thực trạng: SGK không khoa học, bất cập về chỗ ngồi và sĩ số, hội đồng tự quản thì như… vẹt còn GV thì “chết ngộp” với việc trang trí lớp học. “HS giỏi thì rất tự giác, tích cực, còn HS kém thì ngược lại. HS chúng tôi đa số là dân tộc miền núi, các em nhút nhát, vốn tiếng Việt còn hạn chế. Các em còn tự ti, ngại trao đổi nhóm. Bởi vậy nếu cứ để mô hình này thì học sinh sẽ hạn chế hơn chương trình hiện hành” – GV này nói. Thậm chí, vì là mô hình của dự án nên tại trường học mà GV này đang dạy, có thực tế là GV… diễn nhiều hơn dạy. Khi được cấp trên giao một tiết chuyên đề dạy theo mô hình VNEN, thường một lớp 44 em, sẽ được chọn ra 24 em, chia thành bốn nhóm. Suốt hai tuần, các em sẽ được tập diễn, nào là giới thiệu tên, tập các trò chơi, tự học nhóm. Cả thầy và trò đều rất căng thẳng.

Những hạn chế trong triển khai mô hình, được chính Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận là nhiều nơi thực hiện hình thức, lấy thành tích mà theo ông là “do nhận thức của cán bộ GV chưa thay đổi, áp lực từ xã hội, từ phụ huynh, khiến nhiều nhà trường phải tìm cách dung hòa giữa mô hình trường học mới và truyền thống”. Tuy nhiên, nếu nói rằng bỏ mô hình này đi thì sẽ là cực đoan bởi nhiều địa phương vẫn thực hiện tốt mô hình này. Với những nơi có trình độ HS đồng đều, số lượng không quá đông thì những ưu việt của mô hình này vẫn được thể hiện. Về điều này, tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đã đổi mới thì chấp nhận có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt. “Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh để các địa phương khai thác tối đa mặt tốt, phù hợp với điều kiện của mình. Nói dừng lại thì không phải vì sẽ ngược lại với chủ trương đổi mới” – ông nói.

Bộ GD-ĐT sẽ rút kinh nghiệm

Liên quan đến việc một số địa phương vừa cho dừng mô hình trường học mới (VNEN) sau hơn hai năm triển khai, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng Bộ sẽ rút kinh nghiệm về việc này và sẽ sớm có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện sau thời gian thí điểm.

Theo ông Nhạ, khi áp dụng mô hình này phải tính đến điều kiện thực hiện và sự chuẩn bị một cách kỹ lưỡng.

Ông Nhạ cho rằng những kinh nghiệm rút ra trong chuyện này là “Trước khi đưa ra một cái mô hình đổi mới phải nghiên cứu kỹ, hướng dẫn cẩn thận, phải có lộ trình thực hiện và mô hình phải sống được trong cuộc sống. Làm sao để chính những người ứng dụng nó họ thấy hay thì đó mới chính là thực tiễn…

Ngoài ra, tâm thế của người quản lý, tâm thế của thầy cô, học sinh và phụ huynh chưa theo kịp với yêu cầu của mô hình. Việc chuẩn bị điều kiện để áp dụng cũng chưa nhuần nhuyễn”.

 “Một số địa phương có ý bỏ VNEN. Nhưng sau 3 năm làm thí điểm, Bộ GD-ĐT tổng kết đây là mô hình tốt, rút kinh nghiệm để áp dụng trên từng địa phương khác nhau.

Bộ sẽ tiếp tục thực hiện VNEN, nhưng không áp đặt. Các địa phương có thể áp dụng một phần, còn bỏ tất cả là cực đoan.

Bất kỳ mô hình mới nào cũng phải có sự chuẩn bị về tư tưởng, tâm thế, cơ sở vật chất, chuyên môn nghiệp vụ. Cái mới nào cũng phải có lộ trình, cứ làm tốt thì sẽ có người theo” – ông Nhạ nhấn mạnh.

Khánh An

DIỄN ĐÀN……………………………………………………..

Rằng hay thì thật là hay

Thực ra, mô hình VNEN rất hay, được xây dựng trên những cơ sở tâm lý học và giáo dục học một cách vững chắc, học sinh (HS) được phát huy vai trò chủ thể tích cực – đó là tự học (học cá nhân, học nhóm là chủ yếu), trong đó HS được nói, được hỏi nhiều hơn, được thảo luận, tranh luận với bạn (và cả giáo viên – GV) nhiều hơn để tìm ra tri thức mới và hình thành kỹ năng tương ứng; được vận dụng, ứng dụng những kiến thức và kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống nhiều hơn để hình thành năng lực; được phát huy năng lực, trí thông minh của mình nhiều hơn; được tham gia đánh giá việc học tập và tham gia hoạt động của mình… Bên cạnh đó, mô hình VNEN còn tạo điều kiện thuận lợi cho tập thể HS thiết lập được “cơ chế” và bộ máy tự quản hoạt động hữu hiệu. HS trở nên tự tin, chủ động, sáng tạo, hồ hởi không chỉ trong học tập mà còn qua các hoạt động giáo dục khác nhau.

Ở mô hình này, GV không còn là người “truyền đạo” mà đóng vai trò tổ chức, điều khiển, hướng dẫn, trọng tài, hỗ trợ HS tự học. GV không còn làm thay HS, không còn thuyết giảng mà thiết kế một lộ trình thích hợp gồm các hoạt động để giúp HS tự mình đi đến đích và chỉ lên tiếng, can thiệp khi cần.

Việc học tập của HS không dừng lại trên lớp mà gắn với cộng đồng. Chính điều này giúp cho HS thấy được ý nghĩa của việc học một cách rõ ràng hơn, kết nối kiến thức trừu tượng với thực tiễn làm cho kiến thức bền vững, hình thành được những năng lực khác nhau, biến những kiến thức thành giá trị cá nhân, cải thiện cuộc sống của mình tốt đẹp hơn… Việc học tập của HS gắn với cộng đồng còn giúp cho sự tham gia và phối hợp của các lực lượng giáo dục trở nên hiện thực, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, dù mô hình này có tuyệt vời đến mấy mà tính khả thi thấp thì cũng giảm giá trị bởi nó chưa phù hợp với điều kiện thực hiện ở nhiều trường VN hiện nay. Do đó, ngẫu hứng làm đại trà thì thất bại là điều có thể thấy trước.

Nếu VNEN có thất bại ở địa phương hoặc nhà trường nào đó thì cũng do nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như sĩ số HS quá đông, năng lực sư phạm của một bộ phận GV và năng lực tự học của HS còn khá hạn chế, cơ sở vật chất còn chật hẹp, tài liệu còn những điểm yếu, sự ủng hộ của phụ huynh chưa tốt… Nhưng chủ yếu là do các cấp quản lý giáo dục.

Mô hình này chỉ phù hợp với lớp học có sĩ số HS thấp, trên dưới 20 em chẳng hạn. Ấy vậy mà có lớp tận 40 HS, thậm chí hơn mà nhiều nơi cũng áp dụng. Cứ ngỡ như người ta “làm bằng mọi giá” để lấy số lượng? Chúng tôi đã từng đặt câu hỏi về giải pháp áp dụng VNEN đối với quy mô lớp lớn cho chuyên gia nước ngoài thì họ cũng không có câu trả lời.

Trong quá trình thực hiện, mặc dù mô hình này bộc lộ những hạn chế nhưng có những cấp dưới cố khen “hay”, “hiệu quả”, “phù hợp”, “tốt” khi báo cáo với các cấp quản lý trên. Nhiều người cho biết các tiết học quay video clip hay có cấp trên về dự đều là dàn dựng. Nếu chỉ dựa vào những bản báo cáo hay nhận xét thiếu trung thực và thiếu khách quan đó, cấp trên thiếu căn cứ khách quan nên càng thôi thúc các nơi khác “làm”, nhân rộng.

Nhiều cán bộ quản lý giáo dục lý tưởng hóa mô hình này, nhất nhất lúc nào cũng phải “HS tự học”, “GV chỉ hỗ trợ”. Điều này không sai về lý luận nhưng thực tế thì lại khác. Thử hỏi nếu HS quên những kiến thức và kỹ năng cần thiết, thậm chí nhiều HS lớp 2, 3 vùng cao còn chưa biết đọc, thì liệu các em tự học như thế nào? Rồi tài liệu được biên soạn cho các vùng miền khác nhau (trình độ HS và trình độ GV cũng khác nhau) nên HS có nơi tự học được, còn nơi khác thì không… HS cả mấy ngàn trường đều tự học như nhau cùng một tài liệu là điều không tưởng! Còn chuyện yêu cầu GV tự điều chỉnh nội dung cho phù hợp với HS của mình lại càng chứng tỏ cấp quản lý giáo dục hiện nay vừa quan liêu, vừa mơ hồ về trình độ của GV hiện nay…

Nhiều nhà quản lý giáo dục cứ ra lệnh. Có nơi GV “kêu” nhưng chả thấu. Điều quan trọng đối với nhiều cấp quản lý giáo dục là thành tích, làm sao được cấp trên khen chứ không phải là lợi ích của HS hay tiếng nói của GV…

Nguyễn Hữu Hợp (Báo Thanh niên)

BÌNH LUẬN……………………………………………………..

Nếu không thay đổi, VNEN sẽ chỉ phù hợp với miền núi

“Trong tương lai, nếu chương trình VNEN không có sự thay đổi thì mô hình này chỉ phù hợp với HS miền núi” – TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nói về mô hình VNEN.

TS Hương cho rằng mô hình VNEN đặt ra một mục tiêu rất tốt đẹp, giải quyết những khó khăn hiện tại của giáo dục Việt Nam, tuy nhiên có một vấn đề là phụ huynh và giáo viên phát triển chưa kịp đối với những yêu cầu đổi mới.

TS Huong
TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Theo TS Hương, giáo viên giỏi là người phải biết lựa chọn hình thức tổ chức dạy học phù hợp cho từng tiết học. “Không thể nói giáo viên không cần giảng, giáo viên phải giảng trong một số hoạt động, đặc biệt là hoạt động bài mới. Với mô hình VNEN, có rất nhiều thầy cô hiểu nhầm là chỉ cho các cháu tự trao đổi với nhau chứ giáo viên không giảng điều này là không chính xác” – bà Hương phân tích.

Nếu muốn đổi mới giáo dục thì điều quan trọng nhất là phải nâng cao nhận thức của giáo viên. Họ cần hiểu thế nào là giáo dục theo năng lực, bởi chúng ta đang chuyển giáo dục theo hướng phát triển năng lực chứ không phải cung cấp kiến thức như ngày trước, từ đó giáo viên mới có những hình thức hoạt động phù hợp theo từng bài học.

Từ trước đến nay giáo viên bị quản lý vô cùng chặt, điều này làm cho giáo viên không còn khả năng sáng tạo. Nhưng phải “cởi trói” từ từ, nếu thả ngay lập tức họ sẽ rất lúng túng mà không biết làm sao xử lý.

Mô hình VNEN đòi hỏi sự vận động của trẻ con rất nhiều, sau một tiết học người giáo viên cần năng động đi tới từng nhóm, “nhưng chính tôi chứng kiến, trong một lớp có sáu nhóm, giáo viên chỉ tới ba nhóm, còn lại ba nhóm giáo viên không hề tới, các cháu này đều không biết làm gì. Như vậy, mô hình có phát huy được không phụ thuộc vào giáo viên rất nhiều” – cô Hương chia sẻ.

Theo TS Hương, trong tương lai nếu không có hướng thay đổi, mô hình này sẽ chỉ phù hợp với các vùng núi. Bởi mô hình VNEN dành cho những lớp ghép rất phù hợp với miền núi, giáo viên có thể giám sát được hoạt động của các em. Ngoài ra, trẻ em nông thôn miền núi thiếu tự tin, mô hình này có thể giải quyết được điều đó.

PHI HÙNG (Báo Pháp luật TP.HCM)

DƯ LUẬN……………………………………………………..

Ông Phùng Xuân Nhạ- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT:

Mặc dù chủ trương là tốt, nhân văn song mô hình vẫn chưa được kiểm chứng. Thực tế trong giáo dục lại rất phức tạp. Vì thế, chúng ta phải đi từng bước, thí điểm rồi tổng kết sau đó mới mở rộng và tiếp tục bổ sung. Đằng này chúng ta lại áp dụng đại trà ngay nên vướng mắc là điều khó tránh khỏi.

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam:

Mô hình VNEN được thực hiện ở nhiều tỉnh thành. Có những trường họ chấp nhận và thấy mô hình này là phù hợp, nhưng cũng có nhiều tỉnh thấy chất lượng giáo dục đi xuống sau khi áp dụng. Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, rằng sẽ rút kinh nghiệm, sẽ chắt lọc những điểm tích cực, phù hợp với nền giáo dục nước nhà để áp dụng vì xưa nay, nền GD-ĐT ở nước ta đều chắt lọc từ nền giáo dục tiến bộ của nước ngoài. Điểm tích cực của mô hình này là phát huy tính tích cực của người học, nó chú ý đến đặc điểm cá nhân của học sinh. Đây là những yếu tố rất hay của mô hình và chúng ta nên ghi nhận và thực hiện theo.

GS Văn Như Cương:

Mô hình VNEN được áp dụng một cách quá máy móc nên không phù hợp với thực tiễn giáo dục của chúng ta. Đó là chưa kể đến nguồn gốc của VNEN là mô hình của Colombia từ những năm 1995 – 2000 – một mô hình xuất phát từ ghép lớp ở những nước khó khăn trong khi việc ghép lớp chúng ta đã làm từ lâu. Vậy thì lí do gì chúng ta lại phải làm lại nó? Đó là chưa kể đến muôn vàn hệ lụy đằng sau VNEN.

Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu:

Mô hình VNEN là mô hình học tập tiên tiến. Mô hình VNEN xóa bỏ những bất cập của phương pháp dạy truyền thống là truyền thụ kiến thức một chiều từ GV đến HS, thay vào đó là tăng cường sự tương tác giữa GV và HS, giữa HS và HS, tạo không khí học tập thân thiện, tăng sự hứng thú ham mê trong học tập. Tuy nhiên, ngành GD-ĐT còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là về cơ sở vật chất, hệ thống trường lớp. Vì thế, các phòng GD-ĐT địa phương cần chủ động tham mưu với UBND huyện, thành phố tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất trường lớp dạy 2 buổi/ngày và trang thiết bị hỗ trợ dạy học; ngành GD-ĐT chịu trách nhiệm chủ trì mua sắm sách, dụng cụ học tập phục vụ cho việc dạy học theo mô hình VNEN./.

Nguồn tin: congluan.vn