CỘNG ĐỒNG HỌ BÙI HÀ TĨNH

CỘNG ĐỒNG HỌ BÙI HÀ TĨNH
Hà Tĩnh là vùng đất cổ Việt Thường, địa hình có núi, có sông, có đồng bằng và vùng duyên hải, rất thuận lợi cho sự quần cư của các dòng họ. Đây cũng là vùng đất gần với di chỉ người Việt tiền sử như núi Đọ, núi Nưa (Thanh Hóa) và có các di chỉ núi Dầu (Đức Lạc - Đức Thọ) Bãi Cọi, Phôi Phối (Nghi Xuân) Cồn Sò (Thạch Lạc - Thạch Hà) nên việc có các dòng họ về đây sinh sống, khai thiên lập địa từ rất sớm là điều dễ hiểu.
Theo Nhà sử học Bùi Thiết, Hà Tĩnh là một trong những đơn vị hành chính cấp tỉnh - thành phố, có sự phân bố lâu đời và rộng khắp các huyện, thị có cư dân người họ Bùi. Họ Bùi là hậu duệ của cộng đồng cư dân Việt cổ từ hơn 2.000 năm trước, lại  có thể được xác định, đó  là họ Bùi ở làng Việt cổ Quyết Viết (nay thuộc thị trấn Đức thọ, xã Đức Yên và Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ). Theo Gia phả thì Thỉ tổ của dòng họ là Bùi Lạo (tên húy gọi là Ông tổ Hư Vô), truyền đến hơn 20 đời sau xuất hiện hai anh em là Bùi  Khản và Bùi Sinh, cả hai người đều làm đến Thượng thư (bộ Hộ và bộ Binh). Dòng họ có đến hơn 10 Tiến sĩ Nho học. Cho đến nay, vì nhiều lý do mà khá nhiều chi họ Bùi trên đất Hà Tĩnh không còn Gia phả, chưa xác định được nguồn gốc cũng như thời gian sinh sống ở đây từ bao giờ?

Cũng theo tư liệu của Nhà Sử học Bùi Thiết, vào thế kỷ XIII, có một viên quan họ Bùi được vua Trần trọng dụng. Con của Bùi Mạnh là Bùi Mộc Đạc (cũng có thể là Bùi Mộc Lạc), làm quan trải ba triều vua nhà Trần, làm đến Trung thư Thị lang Thẩm hình viện. Vua Trần Anh Tông (1293-1314)  nể phục Bùi Mộc Đạc, sai vẽ tượng (chân dung) cất ở kho sách, ý muốn dùng làm chức to, song chưa kịp ban phong cho thì nhà vua đã qua đời. Ông mất năm 1326. Theo phả hệ của Bùi Mạnh, thì Bùi Mộc Đạc sinh hạ hai người con trai là: Bùi Mộc Đống và Bùi Mộc Đức. Bùi Mộc Đức (chưa rõ năm sinh và hành trạng) sinh sống ở Thái Bình một thời gian, về sau chuyển sang sinh sống tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Không rõ Bùi Mộc Đức sinh hạ được bao nhiêu người con, nhưng có một người làm quan vào cuối thế kỷ XIV, đến chức Chuyển vận sứ, có dịp vào Nghệ An và lấy vợ tại Kẻ Cài, nay là xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh hạ chưa rõ là mấy người con, trong đó có con trưởng  là Bùi Cầm Hổ. Bùi Cầm Hổ ở lại Nghệ An và lập nghiệp tại Kẻ Treo (nay là phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh). Bùi Cầm Hổ (1390-1483) là con trai cả của quan Chuyển Vận sứ họ Bùi, lập nghiệp tại Kẻ Treo. Ông sinh hạ khá nhiều người con trai, có thể là 8 người, vì thế hiện nay tại Hà Tĩnh có nhiều chi họ Bùi nhận là hậu duệ của Bùi Cầm Hổ.

Dẫu có phải là hậu duệ của Bùi Cầm Hổ hay không thì hàng ngàn năm nay, trên dải đất Hà Tĩnh lắm nắng nhiều mưa, kiên trung anh dũng và thấm đẫm tình người, con cháu họ Bùi các dòng họ đã tiếp nối truyền thống cha ông, làm rạng danh non sông đất nước. Như bao thế hệ họ Bùi Việt Nam, họ Bùi Hà Tĩnh là dòng họ nổi tiếng thông minh, hiếu học, năng động sáng tạo, một lòng trung quân ái quốc, nhân nghĩa thủy chung, đặc biệt là ngay thẳng kiên cường và thấm đẫm nhân văn. Người họ Bùi còn nổi tiếng trong lịch sử là những người giúp vua trị nước cứu đời như Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ, Quận công Thượng tướng Bùi Quang Giao, Tướng quân Bùi Cảnh Khánh, Đô úy Ngự tiền Bùi Quang Sở, Đô úy Bùi Hoạch…Họ Bùi ở Hà Tĩnh còn có những nhà văn hóa lớn như nhà thơ Bùi Dương Lịch, Phó bảng Bùi Thố… Thời kỳ hiện đại, con cháu họ Bùi Hà Tĩnh có mặt khắp mọi miền Tổ quốc, đóng góp xương máu, mồ hôi, trí tuệ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Trên lĩnh vực nào cũng có những con cháu họ Bùi Hà Tĩnh xuất sắc, từ chính trị, an ninh-quốc phòng đến kinh tế, văn hóa giáo dục, hoạt động xã hội. Tiêu biểu là cố nhà thơ Xuân Hoài (Bùi Xuân Huyến), Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân, GS Tiến sĩ Bùi Minh Phong-Giảng viên Trường Đại học Eotvos Lorand-Hung- ga- ri, Doanh nhân Bùi Văn Liệu, “nhà chế tạo trực thăng” Bùi Hiển, ca sĩ Bùi Lê Mận v.v

Danh sách Ban Chấp hành cộng đồng họ Bùi Hà Tĩnh khóa I, nhiệm kỳ 2017 - 2022